Phải cải cách thì doanh nghiệp mới sống được

Xóa “ma trận” giấy phép con cản đường doanh nghiệp - Bài 4

Phải cải cách thì doanh nghiệp mới sống được

(PLO)- Gần đây xuất hiện tình trạng một số cán bộ, công chức né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm không dám quyết định công việc thuộc thẩm quyền, đẩy doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn càng khó khăn hơn.

Trong các diễn đàn, hội nghị… về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN), nhiều chuyên gia đã có những kiến nghị từ vi mô đến vĩ mô. Tinh thần chung của các kiến nghị là vừa phải có giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt, vừa có chiến lược cải cách lâu dài để tiếp sức cho cộng đồng DN.

Ông PHAN ĐỨC HIẾU, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Cải cách thể chế phải là trọng tâm

Cải cách thể chế rất quan trọng giúp giảm các thủ tục hành chính rườm rà, giảm điều kiện kinh doanh không hợp lý. Qua đó giảm được chi phí cho DN, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng. Nhưng cải cách thể chế không chỉ nhằm cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, mà còn nhằm cắt giảm cả chi phí đầu tư phát sinh từ các quy định pháp luật. Đây là điều rất quan trọng.

Quyết tâm của Chính phủ và các cơ quan chức năng là rất lớn. Nhưng bối cảnh thay đổi nên yêu cầu là rất lớn, quyết tâm càng phải cao, thậm chí yêu cầu và mức độ, mục đích cải cách thể chế phải được đặt cao hơn trước đây.

Cần tiếp tục tháo gỡ vướng mắc để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững. Ảnh: N.NHI

Cần tiếp tục tháo gỡ vướng mắc để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững.
Ảnh: N.NHI

Thực tế môi trường kinh doanh năm nay có cải thiện hơn so với năm ngoái nhưng vẫn chưa thể thỏa mãn, chưa như mong muốn vì cần đặt trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi.

Ông CAO TIẾN ĐOAN, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa:

Xóa bỏ nỗi sợ trách nhiệm

Hiện nay phần lớn các DN đang đối mặt với những bất cập trong nội tại nền kinh tế. Đó là thể chế, chính sách mâu thuẫn, xu hướng cải cách hành chính có phần bị chững lại, điều kiện kinh doanh đang có nhiều rào cản khó vượt qua.

Cần lắng nghe doanh nghiệp thực sự

Để giải quyết các khó khăn do pháp lý gây ra cho DN cần một cơ quan chuyên trách, chuyên sâu của Quốc hội rà soát các văn bản pháp lý trước khi trình Quốc hội thông qua. Như vậy mới có thể loại bỏ được những chồng chéo xung đột trong các luật, đặc biệt là giữa Luật Đất đai và các luật khác đang chuẩn bị sửa mới trong dịp này.

Ngoài ra, các ban soạn thảo và các cơ quan chuyên trách của Quốc hội cũng cần lắng nghe một cách thực sự để tiếp thu các đề đạt, thắc mắc của các hiệp hội DN và các DN trong quá trình xây dựng luật, tránh việc chỉ nghe hình thức. Có như vậy mới có thể sớm hoàn chỉnh khung pháp lý để thúc đẩy, động viên mọi nguồn lực xã hội và đầu tư phát triển để tạo ra công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam

Đáng lo ngại là gần đây xuất hiện tình trạng một số cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai, sợ trách nhiệm không dám quyết định công việc thuộc thẩm quyền. Chính điều này đẩy DN vào tình trạng khó khăn càng khó khăn hơn.

Khác với trước đây, các cấp cố gắng tranh giành để được giao việc làm nhưng giờ thì ngược lại. Khi được giao việc có tình trạng đùn đẩy, càng không được giao việc càng tốt. Đây là cơn bão ngầm trong hành chính, làm trì trệ khâu thủ tục hành chính, dẫn đến nhiều khó khăn kéo dài, gây thất thoát, lãng phí và mất cơ hội đầu tư của DN.

Trước những khó khăn và làn sóng dồn dập như vậy, DN thấm đòn; nhiều DN buộc phải đóng cửa, giảm nhân sự, giảm giờ làm, án binh bất động, hạn chế sản xuất, kinh doanh, dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách cho Nhà nước, người lao động mất công ăn việc làm, gây ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Để giải quyết tình trạng trên, đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, rà soát loại bỏ những quy định không phù hợp; xóa bỏ những khó khăn, điểm nghẽn, mạnh dạn có những giải pháp mang tính đột phá, ban hành những chính sách thực sự phù hợp, hiệu quả, khắc phục tình trạng chậm triển khai như hiện nay.

Đặc biệt cần có giải pháp xóa bỏ nỗi sợ trách nhiệm trong bộ máy công quyền, bảo vệ, động viên, khích lệ người có tinh thần trách nhiệm, dám làm, đóng góp trí lực cho công việc. Có như vậy mới tạo động lực, khích lệ DN dám đầu tư, cống hiến, tạo ra nhiều giá trị mới cho xã hội.

Ông NGUYỄN HỒNG LONG, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN:

Chính sách phải xuất phát từ tiếng nói của các DN

Trong năm nay, Chính phủ đã có nhiều buổi làm việc với cộng đồng DN. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 58 ngày 21-4 về một số chính sách trọng tâm hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

Quan điểm của Chính phủ thông qua nghị quyết là tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các DN phát triển; coi việc tháo gỡ những rào cản, khó khăn cho DN là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, đảm bảo bình ổn và nhất quán, rõ ràng, minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, hỗ trợ DN có trọng tâm, trọng điểm.

Có thể thấy Chính phủ đã đặt nhiệm vụ hỗ trợ DN là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách có rõ ràng, minh bạch hay không phụ thuộc rất nhiều vào các cơ quan chức năng, DN, các hiệp hội DN. Trong quá trình vận hành các chính sách, bản thân các DN cũng cần có kiến nghị, bởi Chính phủ không phải là đơn vị thực thi trực tiếp. Chính phủ rất mong được các DN kiến nghị về những vấn đề thực tế, khó khăn cụ thể. Tất cả cơ chế, chính sách đều phải xuất phát từ tiếng nói của DN, các hiệp hội DN.

Phải có một cơ quan quyết định cao nhất

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng tình hình kinh tế bây giờ khó khăn và ai cũng nhận ra vấn đề này. Nhưng trước đây, những lúc bên ngoài khó khăn thì bên trong chúng ta tạo thuận lợi, sáng kiến, đồng hành cùng DN để duy trì sản xuất, kinh doanh, duy trì các động lực tăng trưởng. Tuy nhiên thời gian gần đây và hiện nay, sau dịch COVID-19, DN bị giáng một đòn nặng nề cộng với tác động của suy giảm toàn cầu thì bên trong chúng ta lại chưa thật sự tạo thuận lợi, thậm chí có nhiều thủ tục điều kiện kinh doanh gây khó khăn, tăng chi phí cho DN.

Có hàng loạt quy định không thể thi hành được, kìm hãm đầu tư mở rộng như các quy định về PCCC thủ tục kéo dài thêm, tạo ra chi phí tuân thủ nhiều gấp hai, ba lần so với trước mà không biết kết quả thế nào. Ngoài ra, hàng loạt vấn đề xuất hiện liên quan đến xăng dầu đứt gãy, điện thiếu… tạo ra tâm lý không tốt, không thúc đẩy phát triển; thị trường trái phiếu, bất động sản đóng băng… Vì vậy cần đánh giá thực chất, sát hơn để nhìn thấy vấn đề mà thay đổi.

“Tôi thấy phải có một cơ quan quyết định cao nhất, quyết định tất cả và chỉ đạo có tính hệ thống. Theo đó, những vấn đề chưa có quy định thì xử lý thế nào, cấp nào xử lý. Những quy định chồng chéo nhau thì xử lý thế nào. Các vấn đề còn ý kiến khác nhau, cách hiểu khác nhau thì phải thế nào. Đồng thời phải có một nghị quyết để cán bộ, công chức cấp dưới thấy an toàn, khi an toàn người ta mới hành động, chưa an toàn người ta không hành động. Cũng tương tự như vậy với DN, người ta không thấy an toàn thì người ta không đầu tư” - TS Cung nói.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng cơ quan này đã đề xuất với các cơ quan, ban ngành và được tiếp thu nhiều vấn đề, trong đó có việc tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh chương trình cải thiện môi trường kinh doanh… Tuy nhiên, cộng đồng DN cũng cần xác định những thách thức, cơ hội để chủ động hoạch định những giải pháp phù hợp giúp DN phát triển bền vững và thành công.

Đọc thêm