Vào tối chủ nhật tuần rồi, khi đi trên đường Hùng Vương (quận 5, TP.HCM), tôi bắt gặp một cuộc ẩu đả không đáng có. Nguyên nhân là bác tài taxi sau khi lùi xe đã vô tình làm ngã chiếc xe gắn máy đậu bên lề đường. Ngay lập tức, hai thanh niên bê tảng đá gần đấy đập kính xe của người tài xế làm bể nát.
Cũng may là bác tài nhẫn nhịn, im lặng, cố thủ trong xe cho qua chuyện nên sau đó hai thanh niên bỏ đi. Nếu bác tài cũng hung hăng như hai thanh niên kia thì có lẽ sẽ xảy ra thương tích.
Sáng thứ hai hôm sau, tôi lại tiếp tục chứng kiến một cảnh tượng tương tự trên đường Lê Hồng Phong (quận 10, TP.HCM). Bác tài xe ba gác lúc cua xe đã ép xe gắn máy vào con lươn khiến anh ta ngã xuống mặt đường (nhưng chỉ trầy nhẹ). Anh tài xế vội xuống phụ đỡ xe vậy nhưng chưa kịp thì bị ba thanh niên nhảy vào đánh bác tài mấy đấm chảy máu sau đó rồ ga bỏ đi. Tài xế xe ba gác có vẻ rất đau, nhưng cố gắng gượng lên xe tranh thủ đi công việc.
Đây là hai trường hợp gần nhất tôi chứng kiến trong rất nhiều trường hợp người dân giở thói hung hãn, nóng tính bất chấp hết tất cả. Báo chí cũng đã đưa tin rất nhiều về những trường hợp này. Có sự việc khiến thương tích nặng, hoặc đau lòng hơn là qua đời. Kẻ hung hãn lúc đó hối hận thì cũng đã muộn màng. Lẽ ra có thể hóa giải những vụ va quẹt, nếu như biết điềm tĩnh nhìn lại vấn đề, thay vì hùng hổ xông vào đánh người trước rồi tính sau. Đồng ý rằng, có những lúc chúng ta đúng, đối phương làm chúng ta rất đau, nhưng đánh nhau sẽ giải quyết được vấn đề gì chăng? Hay là cứ để cảm xúc tiêu cực dẫn dắt trong vài phút bốc đồng để rồi sau đó phải đối mặt với hậu quả pháp lý nặng nề?
Chỉ vài phút hung hãn, có thể gây ra những hệ lụy đau lòng cho cả hai bên. Ở khía cạnh khác, việc hung hăng như thế sẽ tạo ra một hiệu ứng văn hóa xấu từ giới trẻ (bắt chước) trong mọi trường hợp. Sâu xa hơn, khách quốc tế sẽ e dè khi đến đất nước chung ta tham quan du lịch, trao đổi văn hóa cũng như học hỏi, khám phá những điều mới mẻ. Vì vậy, mong mọi người nên từ bỏ thói hung hãn, cần kiềm chế cảm xúc, bình tĩnh xử lý tình huống một cách có văn hóa. Nếu đôi bên không hòa giải được có thể nhờ đến cơ quan chức năng xử lý. Người dân địa phương cần gọi điện cầu cứu cơ quan chức năng gấp để tránh xảy ra những điều đáng tiếc.
Hung hãn ngoài đời thật là như vậy, còn trên mạng xã hội thì sao? Thử nhìn xung quanh chúng ta những ngày này, nhìn đâu tôi cũng thấy tình trạng chửi bới, mạt sát nhau từ người lao động chân tay đến rất nhiều người có học. Người ta sẵn sàng cầm đá trong tay để ném vào nhau.
Trong từng câu chuyện, hãy lùi lại bình tĩnh nhìn vấn đề thấu suốt để tìm ra căn nguyên vấn đề và xử lý nó một sách sáng suốt, văn minh. Chúng ta không còn cách nào để giải quyết vấn đề hay sao?