Nhà ngoại xưa ở một con phố trung tâm Đà Lạt. Mỗi lần gia đình tôi từ Lào bay về Việt Nam đều lên Đà Lạt thăm ông bà, các cô cậu (vì ba tôi làm chuyên viên cho AirLaos - hàng không quốc gia Lào - nên cả nhà qua sống tại thủ đô Vientiane một thời gian). Trong ký ức trẻ thơ của tôi, Đà Lạt là ngọn đồi nhỏ sau nhà ngoại trồng đầy su su. Là khu Hòa Bình với những con đường nhỏ quanh co, lên đồi xuống dốc với những quán chè và những cô gái Thượng bày bán mấy xấp vải thổ cẩm. Là chợ Đà Lạt mà mỗi lần theo mẹ đi chợ tôi luôn được mua cho con búp bê đan bằng len. Là đồi Cù, mấy chị em tha hồ lăn lộn trên cỏ đùa giỡn…
Đà Lạt trong tôi còn là những ngôi biệt thự màu trắng mái dốc theo kiểu kiến trúc châu Âu nằm giữa rừng thông. Rồi cái balcon bé xinh trồng đầy hoa của những ngôi nhà trong phố thị, giống như balcon của nàng Juliette mà tôi đã từng ngắm nó khi đến TP Verona, Italia. Là dinh tỉnh trưởng nằm trên ngọn đồi nhỏ với chú lính đứng nghiêm gác cổng…
Đêm trung tâm Đà Lạt với khu Hòa Bình, hồ Xuân Hương. Ảnh: NGUYỄN HIẾU
Hơn 10 năm trước, mỗi lần lên đó tôi vẫn còn thấy thấp thoáng đây đó những ngôi biệt thự trắng nhỏ nhắn với những balcon đầy hoa. Một sắc thái kiến trúc đặc thù của Đà Lạt mà không thành phố nào ở Việt Nam có được.
Giờ thì Đà Lạt còn gì? Những ngôi biệt thự xưa đa phần đã biến mất chẳng còn dấu tích. Thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng vô hồn, giống những ngôi nhà ở Sài Gòn, Hà Nội. Tất cả đã bê tông hóa một cách lạnh lùng. Có chăng nhà nào còn nhớ chút thiên nhiên xưa cũ trồng vội trước nhà chậu bông giấy tím. Cả thành phố chỉ còn bông giấy tím hiện diện. Rừng thông một thời thân thiện hòa cùng cuộc sống của người dân phố thị đã mất dần hoặc còn cũng xơ xác.
Mấy hôm nay lại xôn xao về một bản đồ án quy hoạch khu Hòa Bình trung tâm Đà Lạt vừa được UBND tỉnh Lâm Đồng phê chuẩn. Theo đó, khu Hòa Bình thành khu cao tầng thương mại phức hợp. Cơ cấu thuộc dự án sẽ gồm năm phân khu nhưng ở phân khu nào cũng có chức năng trung tâm thương mại dịch vụ hiện đại.
Khi tên kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị được xướng lên cùng bản đồ án, ít ra tôi cũng cảm thấy đỡ bức xúc hơn. Hy vọng ông không đến nỗi bán tên tuổi mình đã dày công xây dựng. Song không hẳn đã hết băn khoăn: Dinh tỉnh trưởng nằm trên một ngọn đồi đẹp nằm giữa trung tâm thành phố, rộng cả hecta, được thiết kế và xây dựng theo lối kiến trúc cổ điển của các dinh thự Âu châu cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Dinh được xây dựng vào khoảng năm 1910 và sau năm 1975 đã được trùng tu vào năm 2014 với tiêu chí bảo tồn nguyên trạng. Vậy sao giờ lại phá đi để xây dựng khách sạn?
Khu Hòa Bình nay đã “đất chật, người đông”, cũ kỹ và nhếch nhác. Việc quy hoạch lại cũng cần thiết. Song tôi hoàn toàn ủng hộ bài viết của chị Nguyễn Thị Hậu trên Pháp Luật TP.HCM ra ngày 18-3: Quy hoạch gì cũng phải giữ lại “hồn vía đô thị” của Đà Lạt. Và xin đừng “nhân bản vô tính”. Đà Lạt phải là chính nó, thành phố của du lịch nghỉ dưỡng.