Phải phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong quản lý đất đai

(PLO)-  Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý trong quản lý đất đai phải phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nhưng kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả; khơi thông nguồn lực gắn với chống tiêu cực, tham nhũng, sai phạm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 29-7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Nhiều chính sách mới

Tại cuộc họp, đại diện Bộ TN&MT, cơ quan chủ trì xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cho hay Bộ này đã rà soát hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến lĩnh vực đất đai để đề xuất sửa đổi ngay trong Luật này hoặc đề xuất sửa đổi các luật có liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) họp phiên thứ nhất. Ảnh: VGP

Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) họp phiên thứ nhất. Ảnh: VGP

“Bố cục của dự thảo Luật được sắp xếp như Luật Đất đai hiện hành, tăng thêm hai chương”- ông Lê Thanh Khuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, đại diện cho tổ biên tập cho biết.

Theo đó, dự thảo gồm 237 điều, dự kiến giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều. Dự thảo Luật đã thể chế hóa chủ trương: bỏ khung giá đất; có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất.

Đồng thời, có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô.

Đặc biệt, dự thảo Luật bổ sung một chương về phát triển quỹ đất nhằm xây dựng cơ chế phát triển quỹ đất; điều tiết giá trị tăng thêm từ đất đai do thực hiện quy hoạch, dự án các công trình hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất.

Chương XIII về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đã thể chế chủ trương “Đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất” thông qua bổ sung quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm.

Dự thảo Luật cũng đã thể chế hóa chủ trương mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; tạo điều kiện chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch; quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp…

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, quan điểm xây dựng dự thảo luật là thể chế hoá đầy đủ Nghị quyết 18 cũng như các Nghị quyết khác của Đảng với bảy nhóm chính sách lớn.

Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ nhưng phải kiểm soát chặt chẽ

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo khẳng định đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia. Do đó, sửa Luật Đất đai là nhiệm vụ rất khó khăn. Kể từ năm 1987 tới nay, Luật Đất đai đã qua bảy lần điều chỉnh, sửa đổi để phù hợp với thực tiễn phát triển. Quá trình thực hiện Luật lại xuất hiện tồn tại, hạn chế, thậm chí có quy định lạc hậu, cản trở sự phát triển, cần phải sửa đổi.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng lưu ý mục tiêu đặt ra là hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp tháng 10-2022. Ông yêu cầu phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu để quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên, không chỉ có yêu cầu về tiến độ, mà phải hoàn thiện dự thảo với chất lượng cao nhất.

Về nội dung, Phó Thủ tướng đề nghị phải bám sát Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Trong đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh trong quản lý đất đai phải phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa nhưng phải đi đôi với kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả; khơi thông nguồn lực gắn với chống tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong lĩnh vực đất đai.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ TN&MT chủ động lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các đối tượng tác động, huy động trí tuệ tập thể, kinh nghiệm chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện dự thảo. Đặc biệt, cần tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn để tổng kết thực tiễn, tiếp thu ý kiến rộng rãi đối với các nhóm chính sách đặc thù như thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển nhượng đất đai, lấn biển...

Đối với những vấn đề khó, còn ý kiến khác nhau, Phó Thủ tướng yêu cầu đưa ra các phương án kèm theo phân tích rõ điểm mạnh, điểm yếu để thảo luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm