Sẽ thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) vào tháng 10-2023

(PLO)- Đại biểu Quốc hội đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm; Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; văn bản điều chỉnh về tài sản ảo, tiền ảo, tiền và tài sản mã hóa...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 13-6, Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua Nghị quyết chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

QH biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Ảnh: QH

QH biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Ảnh: QH

Đáng chú ý, Nghị quyết vừa được thông qua điều chỉnh thời gian trình đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 tháng 5-2022 sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 tháng 10-2022 và kỳ họp thứ 5 tháng 5-2023, thông qua tại kỳ họp thứ 6 tháng 10-2023.

Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay có ý kiến đề nghị cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để trình QH cho ý kiến, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Tán thành với ý kiến đại biểu, UBTVQH cho rằng đây là dự án Luật quan trọng, cấp thiết cần khẩn trương xây dựng, ban hành nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đất đai, bảo đảm quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan tập trung nghiên cứu, sớm hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình QH xem xét, cho ý kiến theo đúng tiến độ. Trường hợp dự án được chuẩn bị tốt, ý kiến đại biểu QH đồng thuận cao, UBTVQH sẽ trình QH xem xét đẩy nhanh hơn tiến độ thông qua Luật.

Nghị quyết vừa được thông qua cũng đã bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình QH cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 4 tháng 10-2022 theo quy trình tại một kỳ họp dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, quá trình thảo luận có ý kiến đề nghị bổ sung vào Chương trình dự thảo Nghị quyết của QH về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng ĐBSCL.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu QH, UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ, ngành để triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trường hợp cần ban hành văn bản của QH, Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo UBTVQH xem xét để trình QH theo thẩm quyền.

Ông Tùng cũng thông tin có ý kiến đề nghị bổ sung vào Chương trình ba dự án là Luật Giao thông đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị QH khóa XV không xem xét lại các dự án đã được QH khóa XIV cho ý kiến nhưng chưa thông qua.

Theo ông Tùng, trong nhiệm kỳ QH khóa XIV, Chính phủ đã trình QH xem xét, cho ý kiến về ba dự án luật nêu trên. Qua thảo luận, ý kiến của các vị đại biểu QH còn rất khác nhau cả về sự cần thiết ban hành và một số nội dung, chính sách lớn của các dự án luật.

Do đó, QH khóa XIV giao lại Chính phủ tiếp tục nghiên cứu; UVTVQH đã có văn bản đề nghị cơ quan trình dự án nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến đại biểu QH, báo cáo QH, UBTVQH bằng văn bản về kết quả nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu QH để hoàn chỉnh các dự án luật này. Đồng thời báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi trình UBTVQH, QH xem xét, quyết định việc đưa vào Chương trình.

“Xin QH cho tiếp tục xử lý vấn đề này như đã báo cáo”- ông Tùng nói.

Đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho biết một số ý kiến đề nghị bổ sung vào Chương trình một số dự án, trong đó có Luật Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm; Luật về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca; Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; luật hoặc pháp lệnh về khu công nghiệp, khu kinh tế; văn bản điều chỉnh về tài sản ảo, tiền ảo, tiền và tài sản mã hóa.

UBTVQH đánh giá cao tâm huyết của các vị đại biểu QH trong việc đề xuất xây dựng, sửa đổi các văn bản luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Tuy nhiên, theo UBTVQH, các nội dung này cần được nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất các chính sách cụ thể, đánh giá tác động, lấy ý kiến các cơ quan hữu quan và lập hồ sơ đề nghị theo quy định.

UBTVQH ghi nhận và chuyển các kiến nghị này đến Chính phủ để chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiên cứu. Trường hợp có đủ cơ sở thì chỉ đạo chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh để báo cáo QH, UBTVQH xem xét, quyết định việc đưa vào Chương trình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm