Ngày 24-6, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW và thi hành Luật đất đai. Hội nghị có sự tham dự của các cơ quan, bộ ngành trung ương và 8 tỉnh, thành. (Đà Nẵng, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Yên, Bình Thuận, Đồng Tháp).
Đất đai chưa được giao đến chủ thể có năng lực
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà cho hay các báo cáo tham luận của Tỉnh ủy, thành ủy đều nhấn mạnh đất đai với mỗi quốc gia là tài nguyên đặc biệt, là một trong những nguồn lực to lớn cho phát triển. Vấn đề đất đai và chính sách, pháp luật quản lý đất đai luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tiễn hơn 30 năm đổi mới, 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và 8 năm thi hành Luật đất đai cho thấy nguồn lực đất đai đã được khai thác, phát huy hiệu quả hơn, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Chính sách giao đất, cho thuê đất đã đảm bảo minh bạch, công bằng, khách quan hơn trong việc tiếp cận đất đai của các thành phần kinh tế; đã góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia.
Cạnh đó, chính sách tài chính đất đai và giá đất đã có nhiều đổi mới, tiếp cận hơn theo cơ chế thị trường, nguồn thu từ đất đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước, góp phần nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách phát triển thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất từng bước được hoàn thiện. Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ngày càng hợp lý hơn, có lợi cho người có đất bị thu hồi. Đã tập trung giải quyết kịp thời các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; đơn thư khiếu nại về đất đai có xu hướng giảm so với giai đoạn trước. Công tác điều tra, đánh giá chất lượng, tiềm năng đất đai đã bước đầu đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng đất. Cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin về đất đai đã bước đầu được đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, phục vụ đa mục tiêu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng TNMT cũng cho hay quá trình thực thi cũng bộc lộ nhiều tồn tại. “Nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tài nguyên đất đai chưa được giao cho chủ thể có năng lực sử dụng hiệu quả còn để lãng phí, hoang hóa, chưa hiệu quả” - ông nói.
Bên cạnh đó, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất thu hồi và nhà đầu tư. Thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất còn yếu kém, thiếu đồng bộ. Việc tổ chức thực hiện pháp luật đất đai còn chưa nghiêm; tình trạng vi phạm chính sách pháp luật đất đai, tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp…
“Những tồn tại hạn chế chính là dư địa để đổi mới phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển nếu chúng ta xác đúng các quan điểm, chủ trương, giải pháp, các nút thắt từ thực tiễn để đổi mới chính sách pháp luật về đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, yêu cầu của tiến trình phát triển của đất nước” - Bộ trưởng Hà nói và nhấn mạnh chính vì vậy Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định chính sách về đất đai là một trong 3 khâu đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
7 vấn đề lớn cần sửa đổi trong Luật đất đai.
Tại hội nghị, đại diện các bộ ngành, cơ quan trung ương đã đóng góp nhiều ý kiến để sửa đổi Luật đất đai hiện hành, trong đó tập trung vào 7 nội dung lớn.
Cụ thể, các đại biểu cho hay hiện nay chính sách về đất đai có sự chồng chéo trong các quy định của pháp luật có liên quan. Điều này làm giảm hiệu lực, hiệu quả của thực hiện các chủ trương chính sách, pháp luật đất đai. Theo đó, các đại biểu kiến nghị chính sách về đất đai cần phải đảm bảo tính thống nhất của pháp luật, đảm bảo nguyên tắc luật đất đai là luật gốc điều chỉnh các quan hệ đất đai.
Một dự án ôm đất nhiều năm không triển khai tại phường Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội) gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Các đại biều cũng cho rằng cần đổi mới công tác quy hoạch đảm bảo xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đồng bộ, thống nhất ở từng cấp.
Trong đó, phải chú trọng khai thác hiệu quả không gian, kết nối liên vùng, tầm nhìn dài hạn để quản lý sử dụng đất đai hiệu quả, khai thác nguồn lực đất đai, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Đồng thời, chính sách đất đai phải đảm bảo đồng bộ hạ tầng hình thành hệ sinh thái kết nối, thúc đẩy phát triển, nâng cao giá trị đất đai.
Cùng với đó là cần hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất bảo đảm khách quan, minh bạch, tính đúng, tính đủ các giá trị tăng thêm từ các yếu tố lợi thế phù hợp với giá cả thị trường.
Hoàn thiện chính sách thu hợp lý vừa đóng góp cho ngân sách nhà nước, nhưng đồng thời không làm gia tăng chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả, tạo giá trị gia tăng khác.
Các đại biểu cũng kiến nghị các giải pháp để huy động nguồn lực từ đất, điều tiết hài hòa giá tri tăng thêm từ đất.
Đồng thời phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đất đai đồng bộ để quản lý sử dụng nguồn lực hiệu quả, tăng cường minh bạch công khai các quy hoạch; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính…
Vấn đề bảo vệ đất trồng lúa, đất rừng; về mức hạn điền, đối tượng được nhận chuyển nhượng, nhận quyền sử dụng đất lúa để thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai. Quy mô diện tích trồng lúa, đất có rừng ở quy mô nào để đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực, bảo vệ môi trường trước tác động của biến đổi khí hậu.
Vấn đề cuối cùng là việc thảo luận về cơ chế giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai nhất là tăng cường vai trò của các cơ quan tư pháp trong giải quyết.
Bộ TNMT cho hay Các ý kiến tại Hội nghị sẽ được nghiên cứu, tiếp thu, tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và sửa đổi Luật đât đai để trình Quốc hội.