Lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận được câu hỏi của 28 đại biểu (ĐB) Quốc hội và 10 ý kiến tranh luận xung quanh nhiều vấn đề “nóng” của ngành giáo dục như: Chất lượng dạy và học trong điều kiện dịch COVID-19, chất lượng sách giáo khoa (SGK)…
“Chúng ta test virus nhưng virus test lại cả hệ thống của chúng ta”
“Gần hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn và tàn phá tất cả lĩnh vực của đời sống, trong đó giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói trước khi bước vào phiên chất vấn.
Theo ông Sơn, kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Gần 20 triệu học sinh (HS), sinh viên không được tới trường trong thời gian rất dài, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực.
Ông đánh giá: Việc học tập trực tuyến, học qua truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn đã gây ra rất nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực. “HS căng thẳng, mệt mỏi, thầy cô cực nhọc và áp lực, phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng, những chuyện bi hài, cả những việc đau lòng đã diễn ra khó có thể kể xiết” - ông Sơn nói.
Về công tác quản lý điều hành, ông nói: “Chúng ta test tìm virus nhưng virus test lại cả hệ thống của chúng ta” và thừa nhận về phương diện quản lý nhà nước, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và kiểm tra, giám sát, bộ đang làm tốt. Tuy nhiên, khả năng để ứng phó với các tình trạng khẩn cấp, với các trạng thái an ninh phi truyền thống thì về nghiệp vụ, hiểu biết, tinh thần… không chỉ cơ quan bộ mà cả hệ thống của ngành cần phải làm nhiều việc hơn nữa.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời các đại biểu. Ảnh: QH
Đừng quẳng vào tay học sinh các loại phiếu khảo sát
Về học trực tuyến, ĐB Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) đề nghị bộ trưởng có đánh giá chất lượng, nhất là HS tiểu học, khối lớp đầu cấp. Ông cũng nêu con số 1,5 triệu HS không có bất cứ thiết bị nào để học tập theo phương thức trực tuyến... thì việc học trực tuyến thế nào?
Bộ trưởng Sơn “đính chính”: Không phải 1,5 triệu cháu không có trang thiết bị học tập mà gần 1,9 triệu HS hiện không có bất kỳ thiết bị gì trong tay để học tập. “Đây là một việc bất đắc dĩ để ứng phó” - ông Sơn nhấn mạnh và cho rằng trước khi đánh giá các cháu học được gì, vấn đề cấp bách hơn là một phần các cháu đang dần dần bỏ học vì không học được.
Ông Sơn cho biết bộ đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị bổ sung, củng cố kiến thức khi các cháu quay lại trường. “Chúng tôi yêu cầu nhà trường khi HS quay lại trường, việc đầu tiên đừng lôi các em ra đánh giá xem được gì trong đầu ngay… Đừng nhồi nhét ngay và không quẳng ngay vào tay các em các loại phiếu khảo sát, các loại đánh giá” - ông Sơn nói.
Ông cũng cho hay đã có phương án hỗ trợ theo nhóm HS...
Không vì vài viên sạn mà nghi ngờ cả chủ trương
Về chất lượng SGK, ĐB Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) đề nghị bộ đưa ra ý kiến cũng như giải pháp khắc phục tình trạng SGK Tiếng Việt, Khoa học tự nhiên của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam có một số bài học thiếu tính khoa học, giáo dục.
Đáp lại, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết sau khi nhận phản ánh từ dư luận về vấn đề SGK, hội đồng chuyên môn, Bộ GD&ĐT đã trao đổi với các tác giả, điều chỉnh kịp thời nội dung trước khi sách được in và chuyển đến tay HS. Về lâu dài, bộ đang tiến hành điều chỉnh các quy trình, điều kiện đảm bảo SGK trong thời gian tới có chất lượng cao hơn…
Về “lỗi, sạn” trong SGK, ông Sơn cho biết Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu sửa đổi Thông tư 33 về quy trình biên soạn, xuất bản SGK. Chủ trương là không đợi các nhóm tác giả, các NXB mang các bộ SGK đến thì tổ chức thẩm định mà sẽ giám sát, đồng hành ngay từ đầu. Ông nhấn mạnh tuy là xã hội hóa nhưng quan điểm của bộ là không chỉ phó thác cho các NXB và nhóm tác giả.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết bộ đang nghiên cứu có thể ghi tên hội đồng thẩm định vào SGK để tăng thêm áp lực cho các thầy tham gia hội đồng... “Cứ có một viên sạn thì mạng nói rất nhiều và chúng ta đều biết nhưng trong đó sản phẩm trí tuệ của hàng trăm nhà giáo, các nhà khoa học thì rất ít ai nói đến, liệu có công bằng không?” - ông Sơn đặt câu hỏi. “Nghị quyết 88 của Quốc hội là đúng đắn trong việc đổi mới chương trình phổ thông… Không chỉ vì một vài viên sỏi, viên sạn mà chúng ta nghi ngờ cả một chủ trương rất lớn của Đảng, của Quốc hội và của ngành giáo dục” - ông Sơn nói.
Giơ biển tranh luận, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đánh giá phần trả lời của bộ trưởng “chưa thuyết phục”. Theo bà Thúy, SGK sai thì HS cũng đã mua, đã học. Vì vậy, dư luận đang trông chờ sự giải quyết dứt điểm, kịp thời, minh bạch, bộ cần có sự trả lời trước công luận càng sớm càng tốt...
Việc phê duyệt SGK là của nhiệm kỳ trước nhưng trách nhiệm quản lý nhà nước là xuyên suốt. Lãnh đạo bộ cần chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam và tập thể tác giả SGK nói trên giải trình trước công luận. Nếu có sai sót thì lãnh đạo bộ phải chỉ đạo sửa chữa, khắc phục, xử lý theo thẩm quyền. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) |