Sau khi dự buổi lễ đón và trao giải cho đoàn học sinh Việt Nam tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật Quốc tế Intel ISEF 2017 tại Mỹ do Bộ GD&ĐT tổ chức hôm 24-5. Phạm Huy, học sinh Trường THPT thị xã Quảng Trị, đoạt giải ba ở lĩnh vực robot và máy thông minh với dự án “Cánh tay robot cho người khuyết tật”, chia sẻ về ý tưởng làm nên “cánh tay robot” của mình:
Do quê của em ở Quảng Trị, là nơi hứng chịu bom đạn nhiều trong thời kỳ chiến tranh. Bên cạnh đó, các vụ tai nạn giao thông xảy ra nhiều khiến nhiều người cũng mất đi một phần cơ thể. Những người này gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là người khuyết tật tay. Chính điều đó đã thôi thúc Phạm Huy phải làm ra một sản phẩm để có thể hỗ trợ được những người khuyết tật.
Cũng theo Huy, trên thị trường hiện nay mặc dù có nhiều sản phẩm cánh tay nhằm hỗ trợ cho người khuyết tật nhưng Huy nhận thấy còn nhiều hạn chế… Bởi vậy, Phạm Huy muốn tạo ra một cánh tay vừa có thể hỗ trợ cho người khuyết tật mất một cánh tay hay có thể mất hoàn toàn hai cánh tay. Bên cạnh đó sản phẩm phải có giá thành rẻ, phù hợp với hoàn cảnh của đại đa số người khuyết tật.
Huy cũng cho biết do mình không phải là người khuyết tật, vì thế quá trình thực hiện đề tài đã gặp rất nhiều khó khăn, sản phẩm lúc đầu khó có thể đáp ứng được hết nguyện vọng của người khuyết tật.
Vì vậy sau khi làm việc với một số người khuyết tật ở địa phương, những người này đã giúp Huy đưa ra các lỗi sai, các hạn chế của cánh tay robot, rồi dần dần từ đó Huy từng bước hoàn thiện sản phẩm.
Phạm Huy trong buổi lễ đón và trao giải cho đoàn học sinh Việt Nam tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật Quốc tế Intel ISEF 2017 tại Mỹ.
Cũng theo Phạm Huy, sản phẩm cánh tay robot của mình có thể sử dụng chân để điều khiển tay bởi chân là một bộ phận độc lập với cơ thể người và người khuyết tật có thể sử dụng hoàn toàn đồng thời hai bàn chân để điều khiển hai bàn tay robot cùng một lúc.
Theo Huy, sản phẩm hiện tại của em chỉ là phiên bản thử nghiệm để có thể tham dự cuộc thi, sau này em sẽ tiếp tục phát triển "cánh tay" của mình, tiếp tục nâng cấp các phần công nghệ, hoàn thiện, có thể khiến nó nhỏ gọn hơn hiện tại để có thể đưa nó vào cuộc sống hỗ trợ cho người khuyết tật.
Hiện Phạm Huy đã tham gia cùng với một nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM để tiếp tục hoàn thiện, phát triển sản phẩm của mình.