Được tin chiều tối 25-5, em Phạm Huy trở về nhà sau cuộc thi Quốc tế về Khoa học kỹ thuật vừa diễn ta tại Mỹ, ngôi nhà nằm sâu trong ngõ nhỏ tại thôn Bích La Hậu, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị ngập tràn tiếng cười nói của hàng xóm, người thân đến gặp mặt và chúc mừng đến em và gia đình.
Niềm vui cả xóm nghèo
Bà Phạm Thị Luyện (73 tuổi, bà nội của Huy) kể lại: “Vào tối hôm trước khi cuộc thi diễn ra thì bố mẹ cháu Huy có xem trực tiếp, còn tôi thì nằm trong phòng. Khi nghe chương trình nhắc đến chữ Quảng Trị thì tôi biết cháu mình đã đạt giải nhưng lúc đó không biết giải gì. Khi nghe ba mẹ nó nói đạt giải 3, lúc đó tôi ứa nước mắt chứ không biết nói gì hơn".
Phạm Thị Luyện đang ngồi đợi cháu mình trở về sau cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật Quốc tế. Ảnh: NGUYỄN DO
Ngôi làng nhỏ chiều hôm nay rộn rã tiếng cười nói của người thân, hàng xóm, ai nấy đều vọng hỏi thăm về em Huy. Đang ngồi trong ngóng đứa cháu trai về nhà, bà Luyện cho biết: "Mấy ngày hôm nay, hàng xóm ai cũng hỏi về cháu Huy làm tôi rất tự hào và mừng vì những công lao, cố gắng của cháu đã được đền đáp".
Theo những người hàng xóm thì Huy là người con hiền lành, ngoan ngoãn, ham học hỏi và được nhiều người yêu mến. “Cháu Huy rất chịu khó tìm tòi, cả tuần chỉ đi học và về nhà đóng phòng làm cánh tay robot. Có lần bị bố Huy ngăn cản vì sợ ảnh hưởng đến việc học nhưng cháu nó đã thuyết phục để bố đồng ý cho đi dự thi”, ông Phạm Xuân Vĩnh, người bác ở cận nhà Huy cho biết.
Gần 9 giờ tối, Huy về đến nhà trong sự vui mừng và chờ đón của mọi người. Huy cho biết: "Sau khi nhận được giải thưởng em đã khóc òa vì không thể kìm được cảm xúc. Em rất vui mừng và tự hào vì sản phẩm của mình đã mang lại kết quả cao trong cuộc thi này”.
Nói về chuyến đi vừa rồi, Huy chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em đi Mỹ và đi một mình nên rất hồi hộp, rất may được một người thầy hướng dẫn các thủ tục nên em cảm thấy yên tâm hơn. Nhưng khi máy bay hạ cánh để quá cảnh tại Hàn Quốc thì em bị lạc, không tìm ra được chuyến máy bay nào để đến Mỹ. Lúc này em rất hoang mang nhưng rất may được sự giúp đỡ của nhân viên hàng không nên em đã kịp chuyến bay của mình”.
"Cánh tay robot" đến với nhiều người khuyết tật
Đến với cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật quốc tế năm nay, Huy cùng sản phẩm cánh tay robot của mình phải thi tài với 1.403 công trình của hơn 1.700 học sinh đến từ 78 quốc gia. Trong đó, có nhiều quốc gia có nền khoa học kỹ thuật phát triển bậc nhất thế giới để mang về giải ba chung cuộc. Ngoài Huy, đoàn dự thi của Bộ GD&ĐT còn có 4 giải tư.
Huy bên bằng khen được Bộ GD&ĐT khen tặng. Ảnh: NGUYỄN DO
Nói về sản phẩm cánh tay robot do mình sáng chế, Huy cho biết, mình đã ấp ủ ý tưởng này từ những năm còn học lớp 8, đến cuối năm lớp 10, đầu năm lớp 11 thì thầy trò bắt tay vào thực hiện.
Để điều khiển các bộ phận trên cánh tay, em đã chế ra một bộ cảm biến nhỏ gắn ở mặt dép dưới ba đầu ngón chân. Khi cần thực hiện động tác gì chỉ cần ấn vào từng nút cảm biến dưới đầu ngón chân tương ứng. Cánh tay có thể thực hiện nhiều động tác cầm nắm, co duỗi các ngón, cầm vật nặng tầm 2 kg, và đặc biệt giá thành chỉ chưa đến 3 triệu đồng.
Với sản phẩm này, Phạm Huy được cử sang Mỹ tham dự cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật Quốc tế vào giữa tháng 5-2017. Tuy nhiên, sau hai lần phỏng vấn, Huy đều bị từ chối cấp visa. Điều này khiến cơ hội tham dự cuộc thi quốc tế của cậu học sinh người Quảng Trị có nguy cơ bị bỏ lỡ.
"Sau khi có thông báo được chọn đi thi Quốc tế, em dành rất nhiều thời gian để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm cánh tay robot của mình. Nhưng đến ngày cận kề cuộc thi nhận thông báo bị từ chối cấp visa, lúc đó em rất buồn và nghĩ cánh cửa thi quốc tế của mình đã khép lại. Nhưng khi báo chí thông tin thì em được phỏng vấn lần 3 và được đồng ý cấp thị thực, em rất vui và điều đó càng làm em quyết tâm hơn", em Huy tâm sự.
Gia đình rộn ràng tiếng cười nói khi Huy về nhà. Ảnh: NGUYỄN DO
Về những dự án cùng tham gia cuộc thi Quốc tế vừa qua, Huy cho biết có rất nhiều dự án hay của các bạn học sinh đến từ nhiều đất nước có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến. Nhưng dự án “cánh tay robot cho người khuyết tật” của Huy vẫn được đánh giá cao vì tính hiệu quả, tiện lợi cũng như giá thành của nó.
“Sau cuộc thi này, chúng em đã lên kế hoạch để tiếp tục phát triển cánh tay robot, chuẩn bị thử nghiệm trên một số người khuyết tật với mong muốn giúp người khuyết tật có thể dễ dàng hơn trong sinh hoạt hàng ngày”, em Huy cho biết.
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM vào chiều ngày 25-5, bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị, cho biết: Vào sáng ngày 29-5, tại Trường THPT Thị xã Quảng Trị, Sở GD&ĐT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị sẽ tổ chức buổi lễ biểu dương khen thưởng đối với em Phạm Huy, người đạt giải 3 cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật Quốc tế 2017 |