Mới đây, Bộ Công an đã chính thức công bố Dự thảo thông tư quy định việc phạm nhân gặp thân nhân; nhận, gửi thư; nhận tiền, đồ vật và liên lạc điện thoại với thân nhân để lấy ý kiến nhân dân và các cơ quan ban ngành.
Trong các nội dung cơ bản, đáng chú ý, dự thảo thông tư có quy định chi tiết về việc phạm nhân liên lạc điện thoại với thân nhân.
Theo đó, các cơ sở giam giữ phối hợp với cơ quan bưu chính viễn thông địa phương lắp đặt máy điện thoại bàn (cố định) và tổ chức cho phạm nhân liên lạc điện thoại với thân nhân. Cước phí gọi điện thoại được tính theo giá của cơ quan bưu chính viễn thông và do phạm nhân chi trả từ tiền lưu ký theo hình thức ký sổ.
Khi liên lạc điện thoại với thân nhân, phạm nhân phải sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, trừ phạm nhân là người dân tộc thiểu số và là người nước ngoài không biết tiếng Việt.
Trường hợp đặc biệt, khi phạm nhân có đề nghị cần phải trao đổi với thân nhân để giải quyết những vấn đề cấp bách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ thì giám thị trại giam, giám thị trại tạm giam, thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện xem xét, giải quyết để phạm nhân được liên lạc với thân nhân.
Đặc biệt, phạm nhân không được liên lạc không đúng số điện thoại và nội dung đã đăng ký; dùng tiếng lóng, tiếng nước ngoài hoặc dùng tiếng dân tộc thiểu số, trừ phạm nhân là người dân tộc thiểu số, người nước ngoài không biết tiếng Việt để liên lạc.
Phạm nhân khi gặp người nhà không được dùng tiếng lóng, tiếng nước ngoài hoặc dùng tiếng dân tộc thiểu số,... (Ảnh: Internet)
Phạm nhân đang phúc thẩm; có kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử về những tội khác hoặc có liên quan đến những vụ án khác đang được xem xét, xử lý, thì không được liên lạc điện thoại với thân nhân.
Mọi cuộc liên lạc điện thoại của phạm nhân với thân nhân phải có cán bộ giám sát. Nếu phát hiện nội dung trao đổi không đúng với nội dung đăng ký, trái với yêu cầu giáo dục, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự thì phải dừng ngay cuộc gọi, trường hợp xét thấy cần thiết phải lập biên bản, đề xuất xử lý kỷ luật.
Đối với phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ bị giam riêng; phạm nhân đang bị thi hành kỷ luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, giám thị trại giam, giám thị trại tạm giam, thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện có thể ra quyết định hạn chế việc liên lạc điện thoại với thân nhân.
Dự thảo thông tư cũng dành hẳn một chương với các điều khoản quy định đối với phạm nhân là người chưa thành niên. Theo đó, việc tổ chức cho phạm nhân là người chưa thành niên nhận, gửi thư; nhận tiền, đồ vật được thực hiện theo quy định tại Chương III và Chương IV thông tư này. Riêng chế độ nhận đồ vật được cao hơn nhưng không quá 20% so với phạm nhân là người thành niên. Phạm nhân là người chưa thành niên được gặp thân nhân và liên lạc với thân nhân qua điện thoại theo quy định tại Điều 53 Luật Thi hành án hình sự. Cụ thể, phạm nhân được gặp thân nhân không quá ba lần trong một tháng, mỗi lần gặp không quá ba giờ, trường hợp đặc biệt được gặp không quá 24 giờ. Phạm nhân được liên lạc với thân nhân qua điện thoại mỗi tháng không quá bốn lần, mỗi lần không quá 10 phút, có sự giám sát của cán bộ trại giam và tự chịu chi phí. Nhà nước khuyến khích thân nhân của phạm nhân là người chưa thành niên quan tâm thăm gặp, gửi sách vở, đồ dùng học tập, dụng cụ thể dục thể thao, vui chơi giải trí cho phạm nhân. |