Tại Hà Nội, ngoài các trường công lập hoạt động theo mô hình “chất lượng cao” từ vài năm nay với học phí 3-4 triệu đồng/tháng sẽ có một trường THPT thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc - chứng chỉ A Level; học phí gồm học phí của chương trình THPT quốc gia Việt Nam và 7,5 triệu đồng/tháng/học sinh của chương trình Anh quốc.
Xem vậy, sự phân hóa giàu nghèo đã tác động vào hệ thống giáo dục công lập.
Trong khi Luật Giáo dục ghi rõ: “Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập… Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục” (Điều 10).
Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế nên ngoài sự đầu tư của Nhà nước còn khuyến khích đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để huy động sự đóng góp của mọi tầng lớp xã hội vào việc mở mang hệ thống trường lớp, nhất là các trường ngoài công lập. Và thời gian qua, phải ghi nhận các mô hình hoạt động giáo dục trên cả nước ngày càng phong phú và khởi sắc. Nhưng kèm theo đó, các nhà giáo dục cũng bày tỏ lo ngại nguyên tắc bình đẳng về cơ hội học tập trong nhà trường công lập đang bị đe dọa. Những mô hình trường “tiên tiến”, “chất lượng cao” thực chất là lấy các cơ sở công lập tốt được xây dựng từ thuế của dân để phục vụ cho một số ít con em các gia đình khá giả, đồng thời đẩy con em các gia đình không có điều kiện vào những nơi cơ sở không tốt bằng, phải học trong những lớp đông đúc với phương tiện thiếu thốn hơn.
Vấn đề đặt ra là các mô hình nói trên không hướng đến phục vụ cho số đông học sinh mà chỉ cho một bộ phận con em giàu có. Như vậy, chúng ta đã vi phạm nguyên tắc bình đẳng về cơ hội học tập, đồng thời không loại trừ là mảnh đất để phục vụ cho các nhóm lợi ích. Các nhà giáo dục khuyến nghị việc phát triển các trường như vậy nên để hệ thống giáo dục ngoài công lập đảm nhiệm.
Xin trích ý kiến của GS Ngô Bảo Châu trả lời trên truyền thông để kết thúc bài viết này: Trong hệ thống công lập, vai trò chính của Nhà nước là dựa trên tiền thuế của dân để đảm bảo cho tất cả trẻ em có được cơ hội học hành tương đương nhau. Nếu lấy tiêu chuẩn thu nhập cao của cha mẹ để làm ra trường “chất lượng cao” là đi ngược lại nhiệm vụ cơ bản đã được nêu ở trên.