Phản hồi loạt bài "mồ côi từ trong bụng mẹ": Đó là tội ác

Sau loạt bài “Mồ côi từ trong bụng mẹ” (từ ngày 17-10), Pháp Luật TP.HCM đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc bày tỏ sự cảm thông trước nỗi bất hạnh của những em nhỏ sớm bị mẹ chối bỏ, đồng thời kịch liệt lên án hành vi bỏ con của các bà mẹ trẻ.

Mèo mẹ còn biết cắp con đi trốn…

Đọc loạt bài trên, mấy ngày nay tôi như bị ám ảnh bởi những đứa trẻ có số phận không trọn vẹn. Tôi không dám trách những bà mẹ trẻ “vô tình” để con xa tầm tay mẹ bởi mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Thế nhưng nếu các bà mẹ đó biết được một số câu chuyện đời của những đứa trẻ sau khi bị bỏ lại, tôi vẫn tin tình mẫu tử sẽ khiến họ không làm vậy.

Cách đây nhiều năm, tôi có dịp đến thăm những đứa trẻ ở làng trẻ SOS Hà Tĩnh. Các em nhỏ ở đó khiến tôi ngỡ ngàng bởi những cái tên như Ngàn Sâu, Ngàn Phố… Hỏi ra mới biết đó là nơi các em được nhặt về. Đã lâu nhưng tôi vẫn chưa quên được câu chuyện buồn của Ngàn Phố: người ta đã bắt gặp em lúc em đang nằm khóc giãy giụa trong chiếc nôi bên bờ sông cùng đôi chân bị kiến cắn nát… Khi kể với tôi câu chuyện đó, mẹ Tuyết ở làng trẻ đã khóc, như thể Ngàn Phố là con gái ruột của mẹ. Đêm, nghe tiếng khóc của trẻ nhỏ, mẹ Tuyết lại lật đật dậy để khi thì cất tiếng ru à ơi, khi thì cho “các con” uống sữa…

Một em bé bị bỏ rơi được các ni cô chùa Diệu Giác, quận 2 nuôi dưỡng. Ảnh: HTD

Rồi câu chuyện của một bà mẹ ở Huế. Cô con gái bà nhặt được ngoài đường hơn 20 năm trước giờ đã đến tuổi lấy chồng. Bao nhiêu năm nuôi nấng, chăm bẵm, bỗng một ngày có một đoàn người đến nhận họ hàng đứa con gái bà xem như con ruột. Bà tức tưởi, ấm ức nói: “Các ông, các bà có muốn nhận con, nhận cháu thì đến nơi đã vứt bỏ con, cháu mình mà nhận về. Đến con mèo khi thấy có ai muốn bắt con nó đưa đi, nó còn biết cắp con đi trốn. Huống chi con người…”.

Nghe câu chuyện đó, tôi thấy bà là một người mẹ dũng cảm. Không mang nặng đẻ đau, không rứt ruột sinh con nhưng bà cũng giống như mẹ Tuyết, lấy sự cặm cụi, ân tình bù đắp cho những đứa trẻ được xem là xa lạ…

annhien@...

Họ đã tự đánh mất tương lai

Là một người cha trẻ, đọc loạt bài Mồ côi từ trong bụng mẹ, tôi cảm thấy quá đau lòng. Còn gì đau lòng hơn khi có những cháu bé chưa chào đời đã bị chính mẹ ruột của mình “rao bán”, cha ruột của mình không nhìn nhận? Đằng sau sự ruồng bỏ ấy chắc hẳn mỗi người mẹ đều có nỗi niềm riêng nhưng dù có là gì đi nữa, việc “rao bán” ấy vẫn quá ư tàn nhẫn và không thể chấp nhận được. Chẳng lẽ tình mẫu tử thiêng liêng cũng không ngăn nổi người ta chối bỏ giọt máu của mình? Trót tạo ra một sinh mệnh rồi lại bỏ rơi, đó là nỗi đau không chỉ cho mình, cho người con bị ruồng bỏ mà cho cả cộng đồng. Và đó cũng là tội ác!

Tôi nghĩ các bạn gái hãy cố tự bảo vệ mình. Kiến thức ấy các bạn đã được học trong nhà trường. Nếu vẫn chưa đủ, các bạn có thể tham khảo thêm trong sách báo, qua mạng Internet… Tình yêu không đồng nghĩa với sự dễ dãi. Và cũng đừng đánh đồng tình dục với tình yêu để rồi cho phép mình quan hệ tình dục bừa bãi dẫn đến có thai ngoài ý muốn... Nam giới nói chung có thể dễ dàng có cảm tình với một cô gái xinh đẹp, bạo dạn. Thế nhưng để tìm một người vợ, những cô gái dù xinh đẹp nhưng dễ dãi và sống không có trách nhiệm không bao giờ là lựa chọn của chúng tôi. Bởi lẽ ai dám chắc một phụ nữ như thế sẽ là một người mẹ tốt cho những đứa con của mình… Chọn cách sống dễ dãi, nhiều cô gái đã tự đánh mất tương lai.

luongngocnguyen1212@...

Từ tình yêu hay sai lầm?

Ngày xưa, tôi từng đọc truyện Dấu vết của mẹ của nữ nhà văn người Ba Lan - Marta Dzido. Đó là câu chuyện của cô bé Anna chưa tốt nghiệp trung học phổ thông, chưa phân biệt tốt - xấu và như thế nào là tình yêu giữa hai người khác giới… Ở tuổi 19, Anna mang thai...

Sau khi quyết định nạo thai, ngày nào Anna cũng có cảm giác như mình bị “nạo mất trái tim”. Mọi cảm xúc bị tước bỏ, mọi cảm giác chai sạn, những dự định, hy vọng của cô cũng bị nạo đi. Thế giới của Anna trở nên u ám với những ám ảnh về phôi thai, về con cái. Dù chưa trưởng thành nhưng Anna đã đau lắm khi nhận ra rằng phôi thai trong bụng là con mình, rằng con mình chọn mình để đến nhưng mình lại không cho nó những đồ chơi bằng bông mà hắt hủi nó, nhẫn tâm bỏ nó đi. Một cái mầm người như một quả bóng nhỏ mong manh, một thiên thần không cánh, sự cắn rứt nhỏ máu của lương tâm…

Câu chuyện đó ám ảnh tôi rất lâu, đến khi đọc loạt bài Mồ côi từ trong bụng mẹ trên Pháp Luật TP.HCM, sự ám ảnh lập tức trở lại. Sẽ rất nhiều người trách những người mẹ trẻ vô cảm vứt bỏ con khi vừa sinh. Sẽ rất nhiều người thương cảm cho những đứa bé lớn lên không biết mẹ, không hình dung được tình thương của mẹ là gì…

Những đứa bé bị bỏ rơi hay người mẹ sau khi bỏ con đều có chung băn khoăn như câu hỏi của Anna trong truyện, rằng Mẹ ơi, trẻ con từ đâu mà có?. Khi đó, câu trả lời là Từ tình yêu… từ tình yêu hoặc do sai lầm. Vậy nhưng nếu đứa bé hỏi tiếp Thế con là từ tình yêu hay sai lầm?, người mẹ sẽ trả lời như thế nào? Cho nên, thay vì sống buông thả để rồi tự dằn vặt về sau, các bà mẹ hãy tập sống sao cho không phải cúi mặt trước lời con trẻ.

NHÃ CA (Quận Tân Bình, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới