Phân khúc nhà đầu tư nên thoát hàng ngay

(PLO)- Từ nay đến cuối năm, áp lực phải bán bất động sản để cắt lỗ, giảm giá... đang xảy ra với những người mua nhà đất bằng tiền vay ngân hàng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các chuyên gia cảnh báo bốn loại bất động sản (BĐS) mà nhà đầu tư cần nhanh chóng tìm cách thoát hàng, thậm chí phải cắt lỗ, giảm giá bán ra để tránh bị chôn vốn, thua lỗ.

Đất có đường vào quá nhỏ, chỉ di chuyển được bằng xe máy, xe ba gác thì sẽ rất khó giao dịch. Ảnh: QUANG HUY

Đất có đường vào quá nhỏ, chỉ di chuyển được bằng xe máy, xe ba gác thì sẽ rất khó giao dịch. Ảnh: QUANG HUY

BĐS vùng sâu, vùng xa, đường vô xe máy

Ông Trần Hữu Hạnh, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc An Điền, cảnh báo với thanh khoản kém như hiện nay thì nhà đầu tư những nền đất xa trung tâm, hạ tầng giao thông hạn chế, chưa có dân sinh nên tìm cách bán ra.

Thứ nhất, với những nhà đầu tư lướt sóng mua đất vườn, đất trồng cây lâu năm, thậm chí đất thổ cư ở những vùng sâu, vùng xa, heo hút cần bán ngay nếu đã có lời. Lý do là dân cư thưa thớt, không có các dịch vụ tiện ích, hạ tầng giao thông kém thì khả năng sinh lời của đất không cao.

“Thứ hai là những nhà đất có đường vào hoặc đường mặt tiền quá nhỏ chỉ di chuyển được xe máy, xe ba gác sẽ rất khó giao dịch. Tương lai ô tô hóa, BĐS ở các tỉnh, thành xa vẫn được nhiều nhà đầu tư ở các đô thị lớn tìm đến mua, chỉ cần di chuyển thuận lợi. Nếu mảnh đất đó ô tô không vào được đến nơi thì khó có thể thuyết phục nhà đầu tư xuống tiền, về lâu dài khó gia tăng giá trị” - ông Hạnh chỉ rõ.

Nhiều nhà đầu tư vẫn đang ôm đất vì tin rằng giá chỉ tăng chứ không giảm nhưng ở một số khu vực, giá đất tăng chủ yếu là do môi giới thổi lên.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư BĐS Việt An Hòa, cũng cho rằng sau các vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, đấu giá, cùng với việc hạn chế tín dụng cho BĐS… khiến thanh khoản giảm, tâm lý nhà đầu tư e ngại, giao dịch khó khăn với các BĐS có giá trị lớn ở tỉnh xa.

Theo nhận định của ông Quang, những BĐS ở tỉnh có giá trị trên 20 tỉ đồng giao dịch rất khó, BĐS trên 10 tỉ đồng cũng phải giảm giá khoảng 5% mới có khách mua.

“Tuy nhiên, lượng người chưa sở hữu BĐS thứ hai hiện vẫn đang có nhu cầu lớn. Vì thế, các sản phẩm ngoài tỉnh, ven TP có giá dưới 2 tỉ đồng vẫn có giao dịch khả quan” - ông Quang nói.

Giá đất thời gian tới có thể giảm nhưng chỉ giảm khi chủ đất thực sự muốn bán. Giai đoạn thị trường hạ nhiệt thì giá mua bán có thể lệch 10%-30%. Hiện nay đã có người bán chấp nhận đưa ra giá mềm (giảm 10%-20% so với mặt bằng), cho môi giới kê thêm giá, chỉ cần bán được. Các nhà môi giới hiện ủng hộ cách làm này với lý lẽ môi giới giỏi mới bán được giá cao, có quyền hưởng lợi. Hiện tượng này càng cho thấy giá đang lộn xộn.

TS ĐINH THẾ HIỂN,
chuyên gia kinh tế

Rủi ro mua đất sốt ảo, pháp lý mông lung

Hai loại BĐS tiềm ẩn nhiều rủi ro được các chuyên gia khuyên nhà đầu tư tránh xa, nếu lỡ mua phải bán ngay để tránh thua lỗ nặng.

Cụ thể như nhà đầu tư mua BĐS ở khu vực sốt ảo, những loại BĐS có mức giá tăng nhanh nhưng không có thanh khoản. Sự tăng giá này chỉ diễn ra một cách chóng vánh rồi nhanh chóng hạ nhiệt, thị trường rơi vào trầm lắng, người bán bị chôn vốn.

Ông Trần Hữu Hạnh, Giám đốc Công ty An Điền, lưu ý đối với nhà đầu tư mua BĐS ở khu vực được cho là sốt đất thường do cò, đầu nậu, môi giới bắt tay thổi giá, có thể từ thông tin không rõ ràng về quy hoạch… Vì thế giá đất không thực, đây là giá ảo, giá bong bóng nên nếu đầu tư lúc này chỉ có thua thiệt và thực tế là chưa đầu tư đã thấy lỗ. Những người có tiền muốn tham gia để có tiền nhiều hơn nhưng lại thiếu chuyên nghiệp, hay bị tác động của hiệu ứng đám đông, ham lợi mà không tính toán kỹ.

Hệ lụy của những cơn sốt đất làm cho thị trường lộn xộn. Một nhóm người đầu tư lướt sóng, nhanh nhạy thì hưởng lợi, còn đa phần lỡ xuống tiền đều bị chôn vốn khi cơn sốt đi qua.

Rủi ro hơn nữa là nhà đầu tư mua phải đất pháp lý không rõ ràng, chưa có sổ thì các chuyên gia cảnh báo cần tìm cách bán ngay, thậm chí giảm giá bán.

Theo ông Hạnh, nhà đầu tư nên lựa chọn những dự án có tính pháp lý rõ ràng, nhất là BĐS đã có sổ luôn là lựa chọn số một. Ưu tiên khu vực BĐS đầu tư hạ tầng bài bản, xung quanh có hạ tầng xã hội về trường học, bệnh viện; hạ tầng dịch vụ như trung tâm mua sắm, khu vui chơi giải trí... hạ tầng giao thông thuận tiện, gần nhà ga, bến tàu, sân bay…

“Nhà đầu tư cần điều nghiên giá cả, so sánh với những khu vực xung quanh gần đó. Tiếp đó là lựa chọn chủ đầu tư có uy tín, xem xét những dự án trước đó của chủ đầu tư này” - ông Hạnh nói.

Theo TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, nhiều nhà đầu tư hiện nay vẫn đang ôm đất vì tin rằng giá chỉ tăng chứ không giảm nhưng theo khảo sát ở một số khu vực, giá đất tăng chủ yếu là do môi giới thổi lên. “Mua bán BĐS hiện nay có tình trạng giá trên thị trường và giá giao dịch thật không hoàn toàn giống nhau. Người muốn mua thì không tìm được đúng người bán, dễ gặp phải cò đẩy giá” - ông Hiển nói.

Nguồn cung nhà ở TP.HCM sụt giảm mạnh

Theo báo cáo thị trường tháng 5-2022 của DKRA Vietnam, phân khúc nhà phố, biệt thự tại TP.HCM ghi nhận sự sụt giảm đáng kể ở cả nguồn cung mới và tỉ lệ hấp thụ. Cụ thể, trong tháng 5 vừa qua, trên địa bàn TP chỉ có một dự án nhà phố, biệt thự mới được mở bán và một dự án mở bán giai đoạn tiếp theo với 59 căn mới, giảm 79% so với cùng kỳ. Sức tiêu thụ đối với phân khúc này cũng ghi nhận mức giảm đáng kể 57% so với cùng kỳ, giảm 39% so với tháng 4. Trong số 59 căn mở bán mới, chỉ có 23 căn được giao dịch thành công, tập trung chủ yếu tại những dự án đã bàn giao và có hạ tầng kết nối đồng bộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm