“Tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp thời gian qua rất thấp, chưa đạt như mong muốn (10%/năm). Một số ngành, lĩnh vực như nhiệt điện, xi măng, mía đường, luyện cán thép, khai khoáng,… vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu. Chúng ta vẫn chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2-3 thế hệ là chính... Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta” - ông Dũng nhấn mạnh.
Chủ nhiệm UB KHCN&MT Phan Xuân Dũng
Trước đó, trình bày tờ trình về dự luật này, Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh đã đưa ra những số liệu cho thấy tình trạng công nghệ trong nước, đặc biệt của các doanh nghiệp đang ở mức “rất yếu kém”.
Cụ thể: Xếp hạng cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam năm 2015 đứng thứ 56/140 quốc gia xếp hạng nhưng mức độ sẵn sàng về công nghệ chỉ đứng thứ 92, hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thứ 121 và khả năng tiếp thụ công nghệ mới chỉ đứng thứ 112/140 quốc gia.
Theo ông Anh, sau gần 10 năm thực hiện luật, hiện đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, thiếu công cụ pháp lý để kiểm soát và ngăn chặn được các luồng công nghệ lạc hậu du nhập vào trong nước.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh
Cho ý kiến về việc sửa luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nêu hậu quả sử dụng công nghệ lạc hậu như vụ việc Công ty Formosa Hà Tĩnh đầu độc môi trường biển bốn tỉnh miền Trung do sử dụng công nghệ không đúng với cam kết; hay một nhà máy ở Hậu Giang mỗi ngày sử dụng 20.000 m3 nước sông Hậu, thải ra môi trường 20.000 m3 nhưng chỉ xử lý được 20%.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
“Sau khi luật (sửa đổi) được ban hành có bảo đảm khắc phục được thực tế là Việt Nam đã và đang trở thành bãi rác, là nơi chuyên sử dụng máy móc, công nghệ lạc hậu của thế giới không? Một vấn đề nữa cũng không kém phần quan trọng là chúng ta phải vừa quản lý được môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, kiểm soát được tình trạng nhập khẩu công nghệ, thiết bị máy móc lạc hậu, cũ kỹ nhưng vừa phải bảo đảm môi trường thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, kinh doanh và tạo môi trường thuận lợi để phát triển thị trường khoa học công nghệ” - chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nêu ví dụ về vụ Formosa để chỉ ra những hậu quả của công nghệ lạc hậu không những ảnh hưởng đến môi trường, mà thực tế đã cho thấy còn có tác động đến cả tình hình an ninh trật tự, đời sống, an sinh và lao động, sản xuất của người dân.
Từ đó, ông Lưu đặt câu hỏi: "Có phải ta chưa đủ cơ sở pháp lý chặt chẽ, Luật Chuyển giao công nghệ 2006 còn hạn chế hay do quản lý nhà nước chưa tốt. Theo tôi là cả hai và phải khắc phục cả hai vấn đề này".