Được biết để có thể thành lập hội đồng tự quản này, học sinh phải tham gia việc bầu cử. Các học sinh trong danh sách ứng cử hay đề cử muốn trở thành chủ tịch hội đồng tự quản phải trình bày trước lớp kế hoạch hành động của mình, đồng thời có thể tìm kiếm các giải pháp huy động số phiếu bạn bè ủng hộ cho mình (tương tự như hình thức “Please vote for me” – vui lòng bỏ phiếu cho tôi - vốn rất phổ biến ở các trường học quốc tế). Việc thành lập hội đồng như trên có tác dụng giúp xây dựng môi trường dân chủ, tăng tính chủ động, khả năng tổ chức, thuyết trình … cho học sinh ngay từ những giai đoạn đầu tiên của bậc họ
Có phù hợp với đặc điểm tâm lý học sinh tiểu học?
Sự phát triển tâm lý của con người có thể chia thành nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn được đặc trưng bởi một dạng hoạt động chủ đạo nhất định. Theo đó, đối với trẻ mẫu giáo, trò chơi đóng vai giữ vai trò hàng đầu thì qua đến giai đoạn tiểu học (từ 6 – 12 tuổi), trò chơi mất dần vị trí hàng đầu và thay vào đó là hoạt động học tập nhằm phát triển khả năng nhận thức và tư duy lý luận. Nếu với giai đoạn mẫu giáo, trẻ tập trung vào việc phát triển ngôn ngữ, trí tưởng tượng và các chuẩn mực đạo đức cơ bản, thì ở giai đoạn tiểu học, trẻ bắt đầu biết cạnh tranh, tự đánh giá bản thân, chơi theo đội nhóm và học hỏi các kỹ năng mới.
Như vậy, với đặc điểm tâm lý lứa tuổi như trên, thì mô hình hội đồng tự quản là hoàn toàn phù hợp bởi lẽ mô hình giúp trẻ biết tự đánh giá bản thân xem có phù hợp với vị trí được bầu cử hay không, giúp trẻ phát triển khả năng lý luận để có thể nêu ý tưởng, trình bày và thuyết phục bạn bè bầu cử cho mình. Các kỹ năng mới như thuyết trình, nói trước đám đông, tư duy phê phán cũng được hình thành qua mô hình này từ rất sớm.
Ngoài ra, người lớn khi đưa ra những phán xét về tính phù hợp và đúng sai của mô hình, cũng nên đặt trẻ vào bối cảnh xã hội mà trẻ đang sống. Xã hội đó có gì? Có phải đó là một xã hội hiện đại, đề cao tinh thần dân chủ, sự tự tin, sự lưu loát, sự cạnh tranh để sinh tồn và sự nhanh nhạy trong ứng xử tình huống không. Mô hình hội đồng tự quản đã thúc đẩy được những điều đấy.
Vấn đề đặt ra, có nên bắt đầu áp dụng mô hình ngay từ lớp 1 hay không, trong giai đoạn chuyển giao giữa mẫu giáo và phổ thông, từ trò chơi chuyển sang hoạt động học tập. Cần nhớ rằng trong năm đầu tiên của bậc học trẻ cần được chuẩn bị tâm lý để thích nghi với những điều hoàn toàn mới mẻ và phải đương đầu với một số khó khăn như thích nghi môi trường mới và chế độ học tập mới (giờ giấc, ngồi yên trong lớp học, làm bài tập về nhà).Việc thiếu những thói quen cần thiết sẽ làm trẻ dễ mệt mỏi và nản chí. Vì vậy, không nên để cho trẻ có quá nhiều mối bận tâm và lo lắng từ học hành đến với bầu cử, thuyết trình… Cho nên ý kiến tốt nhất vẫn là nên áp dụng mô hình từ lớp 2 trở đi.
Tên gọi chủ tịch/phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh có hợp lý?
Sự căng thẳng trong dư luận về cách gọi tên các vị trí thật ra do người lớn áp đặt nhận thức, kinh nghiệm và thái độ của mình lên đó. Người lớn cảm thấy căng thẳng với tên gọi vì trong thực tế những gì mang tên chủ tịch, hay hội đồng, hay ủy ban nghe rất khô khan, khó khăn và trầm trọng không nhất thiết phải có trong lớp học.
Trẻ con không cảm nhận tính trầm trọng đó như người lớn do chưa từng trải nghiệm và không hiểu rõ được nội hàm ẩn sâu bên trong ngôn từ. Đối với trẻ, lớp trưởng, lớp phó hay chủ tịch, phó chủ tịch đều có ý nghĩa như nhau, đều là những vị trí đứng đầu lớp có tác dụng giúp đỡ bạn bè, tổ chức các hoạt động, là đầu mối liên hệ với thầy cô và nhà trường, một cách hoàn toàn trong sáng.
Tuy nhiên, người lớn, đặc biệt là phụ huynh học sinh, thông qua lăng kính “sậm màu” của mình sẽ gieo vào đầu trẻ sự “trầm trọng” của vấn đề, rằng vị trí chủ tịch rất to, rất quan trọng, mọi người đều phải phục tùng, kính nể. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức của trẻ về giá trị của chức vụ, dẫn đến tâm lý hám quyền, cậy thế, ban đầu xảy ra vụn vặt trong môi trường lớp học, sau đó sẽ định hình thành nhân cách khi trưởng thành. Đó là điều đáng lo ngại nhất.
Chính vì vậy, mô hình quản lý lớp học có thể được áp dụng do tính hữu ích của nó, nhưng tên gọi các vị trí lớp trưởng, lớp phó không thật sự cần thiết phải thay đổi do không có tác dụng gì mà khả năng phát sinh ra những ảnh hưởng tiêu cực lại chiếm ưu thế hơn.
Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Nhung – Giảng viên khoa Sư phạm, ĐH Thủ Dầu Một Tôi hoàn toàn đồng tình với việc lập ra các hội đồng tự quản trong mỗi lớp. Điều này sẽ làm cho các em tự tin, mạnh dạn hơn, tự lập hơn và đặc biệt nâng cao tinh thần tự chịu trách nhiệm trong việc học của bản thân. Còn việc đặt chức danh cho trẻ là gì, theo tôi, chúng ta đừng quá tập trung vào mặt từ ngữ, phần “hình thức” mà quên đi phần chính yếu, phần “nội dung” của dự thảo đó là thay đổi mô hình giáo dục ở nhà trường tiểu học, chúng ta sẽ áp dụng mô hình này như thế nào ở Việt Nam để phát huy hết được hiệu quả của nó. Trẻ tiểu học tuy còn nhỏ nhưng tiềm năng phát triển ở các em là rất lớn. Người lớn hoàn toàn có thể tin tưởng, mạnh dạn giao nhiệm vụ cho các em, giúp các em phát triển hết được khả năng của mình. Người Việt chúng ta trước giờ vẫn bao bọc các con nhiều quá, chưa tin tưởng giao việc, phần nào làm hạn chế khả năng phát triển của các em. Còn việc các cháu có tự mãn, sính quyền lực hay không đó là từ cách giáo dục của người lớn, mà cụ thể ở đây thể hiện trách nhiệm trước hết là ở các thầy cô giáo, ông bà, cha mẹ. Tuy nhiên, đây mới là dự thảo, nếu thực sự chúng ta áp dụng mô hình này, tôi nghĩ còn cần phải nghiên cứu rất nhiều cho phù hợp với thực tiễn giáo dục ở Việt Nam. |