Pháp, Ấn Độ tuyên bố 'hành động chung' ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hãng AFP đưa tin Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 21-9 tuyên bố sẽ "hành động chung" ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo hôm 21-9 diễn ra trong bối cảnh sự tức giận của Pháp dường như chưa suy giảm, liên quan việc Úc rút khỏi hợp đồng mua tàu ngầm của Paris để mua tàu ngầm của Mỹ như một phần của liên minh ba bên AUKUS.

Các quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden đang tìm kiếm một cuộc điện đàm với ông Macron trong những ngày tới để xoa dịu căng thẳng, song vẫn chưa có tiến triển khi chính ông Macron đã đưa ra động thái chưa từng có là triệu hồi các đại sứ của nước này tại Úc và Mỹ.

Pháp, Ấn Độ tuyên bố "hành động chung" tại AĐD -TBD

Ông Macron hôm 21-9 cho biết ông và Thủ tướng Modi nhất trí sẽ "cùng hành động trong một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở và bao trùm".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: AFP

Ông Macron cũng đảm bảo với ông Modi về việc Pháp tiếp tục "cam kết tăng cường quyền tự chủ chiến lược của Ấn Độ, gồm cả nền công nghiệp và công nghệ của nước này, như một phần của mối quan hệ chặt chẽ dựa trên sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau".

Tuyên bố từ văn phòng của Tổng thống Macron cho biết cách tiếp cận chung của Pháp và Ấn Độ sẽ nhằm thúc đẩy "sự ổn định khu vực và pháp quyền, đồng thời loại trừ mọi hình thức bá quyền".

Liên minh chiến lược ba bên mới, AUKUS, được coi là nỗ lực của Mỹ-Anh-Úc nhằm đối phó sức mạnh đang gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Những năm qua, Paris đã tìm cách thắt chặt quan hệ với Ấn Độ. Năm 2016, hai bên đã ký một thỏa thuận trị giá hàng tỉ USD về việc Pháp sẽ bán 36 máy bay chiến đấu Rafale cho New Delhi.

Truyền thông Ấn Độ những ngày gần đây đồn đoán rằng việc Úc hủy bỏ thỏa thuận tàu ngầm với Pháp có thể mở ra các cuộc đàm phán giữa Pháp và Ấn Độ về một thỏa thuận tàu ngầm, có thể liên quan việc chuyển giao công nghệ.

Trong chuyến thăm tới New Delhi hồi tháng 9-2020, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly đã thảo luận về ý tưởng rằng thỏa thuận máy bay Rafale có thể dẫn đến hợp đồng bán các loại vũ khí khác, gồm cả tàu ngầm, theo một nguồn tin của Bộ Quốc phòng Pháp.

"Lực lượng không quân Ấn Độ hoàn toàn hài lòng với những chiếc máy bay này và khí tài này đã được đặt sẵn cho tương lai" - nguồn tin cho biết.

Theo nguồn tin, ngoài tàu ngầm, việc đàm phán mua bán vũ khí tiềm năng sắp tới mà New Delhi đang thảo luận sẽ bao gồm máy bay trực thăng, đạn dược và tua-bin phản lực chiến đấu.

Căng thẳng Pháp-Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Theo AFP, Pháp gọi AUKUS là "cú đâm sau lưng" sau khi biết Mỹ đã bí mật dẫn đầu các cuộc đàm phán về liên minh chiến lược mới này và đạt được thỏa thuận chuyển giao các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ cho Úc.

Theo chính phủ Pháp, Úc đã thông báo cho Pháp chỉ vài giờ trước khi rút khỏi thỏa thuận tàu ngầm.

Tổng thống Biden đã đề nghị một cuộc trò chuyện khẩn cấp với ông Macron. Phía Pháp vẫn chưa công bố thời điểm của cuộc trò chuyện này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP

Theo ông Stephane Sejourne - cố vấn chính trị của ông Macron, một khi điều đó xảy ra, ông Macron sẽ yêu cầu ông Biden "làm rõ". 

Ông Sejourne cũng lưu ý rằng không ai nên mong đợi "một cuộc nói chuyện hòa giải".

Vị cố vấn này nói rằng cách mà thỏa thuận Pháp-Úc bị hủy bỏ đã đặt ra nhiều câu hỏi "gồm cả về khái niệm ý nghĩa của việc trở thành đồng minh của Mỹ".

Theo ông, đằng sau hợp đồng là những khác biệt sâu sắc hơn về các chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ông Sejourne cho biết Pháp, quốc gia hiện diện trong khu vực thông qua các vùng lãnh thổ hải ngoại như New Caledonia, đang cố gắng xoa dịu căng thẳng trong khu vực, nhưng "Mỹ đang có xu hướng đối đầu nhiều hơn với Trung Quốc".

Chính sách của Mỹ "sẽ khiến Trung Quốc vô cùng khó chịu và gia tăng căng thẳng trong khu vực", ông Sejourne nói thêm.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Pháp Herve Grandjean đã viết trên Twitter rằng sự kết thúc của thỏa thuận tàu ngầm Pháp-Úc là trên cả mọi "tin xấu" đối với Úc.

“Những chiếc tàu ngầm lớp Attack (của Pháp) đầu tiên sẽ được chuyển giao vào năm 2030. Trong khi với quan hệ đối tác AUKUS mới này, việc chuyển giao sẽ rơi vào khoảng năm 2040. Đó là một thời gian dài, khi bạn thấy Trung Quốc đang quân sự hóa nhanh như thế nào” - ông Grandjean nói.

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Đức - ông Michael Roth - hôm 21-9 cho biết cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Pháp với Mỹ là một "lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta" về sự cần thiết phải đoàn kết một Liên minh châu Âu (EU) thường bị chia rẽ về chính sách đối ngoại và an ninh.

Tại sao Anh tham gia AUKUS?
Tại sao Anh tham gia AUKUS?
(PLO)- Xét cho cùng, một mình Mỹ cũng có khả năng cung cấp cho Úc công nghệ tàu ngầm hạt nhân, nhưng Anh là nước đi đầu trong việc thúc đẩy ký AUKUS, lý do là gì?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm