Pháp bắt CEO Telegram: Chấn động giới công nghệ, căng thẳng Nga - Pháp gia tăng

(PLO)- Thông tin về việc CEO Telegram Pavel Durov bị cảnh sát Pháp bắt dấy lên tranh luận khả năng có yếu tố chính trị đằng sau vụ việc và mở ra mặt trận căng thẳng mới giữa Moscow và Paris.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuối tuần qua, câu chuyện ông Pavel Durov, tỉ phú người Nga, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành (CEO) ứng dụng nhắn tin Telegram bị bắt đã nhanh chóng trở thành tâm điểm trên mạng xã hội và gây chấn động trong giới công nghệ.

Việc một tỉ phú công nghệ người Nga bị Pháp, một quốc gia phương Tây, bắt đã dấy lên tranh luận về yếu tố chính trị đằng sau vụ việc cũng như tạo thêm một mặt trận căng thẳng giữa Moscow và Paris.

CEO Telegram bị bắt với nhiều cáo buộc

Tối 24-8 (giờ địa phương), cảnh sát Pháp đã bắt ông Durov tại sân bay Le Bourget, phía bắc thủ đô Paris khi ông này trở về Pháp sau chuyến du lịch đến Azerbaijan.

Truyền thông Pháp đưa tin lệnh bắt giữ ông Durov được Pháp ban hành theo yêu cầu của L'Office Mineurs (OFMIN) - đơn vị đặc biệt thuộc Bộ Nội vụ Pháp phụ trách điều tra các tội ác chống lại trẻ vị thành niên.

Những cáo buộc mà phía Pháp đưa ra bao gồm đồng lõa khai thác tình dục trực tuyến, gian lận, buôn bán ma túy, bắt nạt trên mạng, tội phạm có tổ chức và thúc đẩy khủng bố. Ông Durov cũng bị tình nghi không hành động để hạn chế tình trạng tội phạm sử dụng nền tảng Telegram.

“Đã hết thời Telegram có thể tự tung tự tác” - một điều tra viên nói với hãng tin AFP, đồng thời bày tỏ sự ngạc nhiên về việc ông Durov đến Paris, dù biết rằng mình đang bị truy nã.

Pháp bắt CEO Telegram: Chấn động giới công nghệ, gia tăng căng thẳng Nga - Pháp
CEO Telegram Pavel Durov. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo truyền thông Pháp, các thẩm phán đã kéo dài thời gian thẩm vấn ông Durov qua đêm 25-8. Luật pháp của Pháp quy định thời gian giam giữ ban đầu để thẩm vấn có thể kéo dài tối đa 96 giờ. Khi giai đoạn giam giữ kết thúc, thẩm phán có thể quyết định trả tự do cho ông Durov hoặc truy tố và giam giữ thêm. Có thông tin rằng ông Durov có thể phải đối mặt với mức án lên tới 20 năm tù nếu bị truy tố và bị kết tội.

Với gần 1 tỉ người dùng, Telegram đã trở thành một trong những nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới. Nền tảng này nhận được sự chú ý đặc biệt kể từ xung đột Nga - Ukraine khi trở thành nguồn cung cấp nội dung chiến sự chưa qua kiểm duyệt và có cả hình ảnh đồ họa về cuộc chiến từ cả hai bên.

Ứng dụng này được nhiều quan chức Nga và Ukraine sử dụng, bao gồm cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Một số quốc gia ở châu Âu, bao gồm cả Pháp, đã bày tỏ sự quan ngại về Telegram liên quan bảo mật và quyền riêng tư dữ liệu.

Bình luận về việc Pháp bắt CEO Telegram, ông Duncan Clark, một chuyên gia công nghệ, nói với đài CNN: “Các ứng dụng liên lạc được mã hóa như Telegram là quyền tự do ngôn luận đối với một số người nhưng lại là con đường đi đến web đen đối với những người khác”.

Ông Clark cho rằng vụ bắt giữ là dấu hiệu cho thấy Pháp đang trấn áp tình trạng thiếu kiểm duyệt trên các nền tảng mạng xã hội như Telegram.

Với gần 1 tỉ người dùng, Telegram đã trở thành một trong những nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới sau Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok, và WeChat.

Làn sóng phản đối sau vụ việc

Ngay sau khi có tin ông Durov bị bắt, Telegram bác bỏ cáo buộc rằng nền tảng này vi phạm tiêu chuẩn bảo mật. “Telegram tuân thủ luật pháp Liên minh châu Âu (EU), bao gồm Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số. Hoạt động kiểm duyệt của chúng tôi tuân thủ các tiêu chuẩn của ngành và liên tục được cải thiện” - theo tuyên bố Telegram ngày 25-8.

Telegram khẳng định CEO Durov “không có gì phải che giấu”, đồng thời cho rằng việc cáo buộc một nền tảng hoặc chủ sở hữu của nền tảng phải chịu trách nhiệm về việc lạm dụng nền tảng là “vô lý”.

Ông Dmitry Agranovsky - luật sư riêng của ông Durov - gọi những cáo buộc chống lại thân chủ của ông là “hoàn toàn vô lý”. “Các cáo buộc này cũng giống như đổ lỗi cho một nhà sản xuất ô tô khi chiếc ô tô được sử dụng cho mục đích tội phạm, hoặc gây tai nạn” - hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời ông Agranovsky.

Chính phủ Nga cũng chỉ trích mạnh phía Pháp sau vụ CEO Telegram bị bắt. Ngay sau khi có thông tin ông Durov bị bắt, Đại sứ quán Nga tại Paris đã liên hệ với phía Pháp để làm rõ nguyên nhân, đồng thời yêu cầu đảm bảo bảo vệ quyền lợi và cho phép ông Durov có quyền tiếp cận lãnh sự.

Ngày 25-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chất vấn các nhóm nhân quyền quốc tế rằng liệu các nhóm này có gây sức ép lên Pháp sau vụ ông Durov bị bắt hay không.

phap-bat-ceo-telegram-2.jpg
Logo ứng dụng Telegram. Ảnh: TASS

Bà Zakharova nhắc lại việc các nhóm nhân quyền quốc tế đã chỉ trích gay gắt Nga cách đây vài năm khi cho rằng Moscow cố gắng quản lý hoạt động của Telegram. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng trong thời gian chính phủ Nga có vấn đề pháp lý với Telegram về các thông số kỹ thuật thì ông Durov vẫn được tự do.

“Ông Durov vẫn tự do trong suốt thời gian này và tiếp tục phát triển Telegram. Bạn nghĩ sao, liệu lần này các tổ chức phi chính phủ có kháng cáo lên Paris và yêu cầu thả ông Durov hay sẽ giữ im lặng?” - bà Zakharova nói.

Phó chủ tịch quốc hội Nga Vladislav Davankov kêu gọi Pháp thả ông Durov và cho rằng vụ việc “có thể có động cơ chính trị và nhằm truy cập thông tin cá nhân của người dùng Telegram”.

Cũng trong ngày 25-8, bà Ekaterina Mizulina - người đứng đầu Liên đoàn Internet An toàn của Nga và là thành viên của Phòng Dân sự Nga - cáo buộc Mỹ yêu cầu Pháp bắt CEO Telegram. “Tôi từ lâu đã tin rằng việc rời khỏi Nga là một rủi ro lớn đối với những người sở hữu Telegram, vì họ có thể bị bắt bất cứ lúc nào” - bà Mizulina viết.

Nhiều chính trị gia và các doanh nhân công nghệ nước ngoài lên tiếng cảnh báo rằng việc Pháp bắt ông Durov có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho người đứng đầu các nền tảng truyền thông xã hội khác.

“Nhu cầu bảo vệ quyền tự do ngôn luận chưa bao giờ cấp thiết hơn thế” - ông Robert F. Kennedy Jr., người từng tranh cử tổng thống Mỹ 2024 với tư cách ứng viên độc lập viết trên X.

Tỉ phú Elon Musk - CEO của nền tảng mạng xã hội X (trước đây là Twitter) - ủng hộ phong trào đòi trả tự do cho ông Durov (“FreePavel”). Viết trên X, ông Musk nhắc lại những lệnh cấm gần đây của các nước liên quan vấn đề tự do ngôn luận, gọi đây là “thời điểm nguy hiểm”.

Tổng giám đốc điều hành nền tảng video trực tuyến Rumble - ông Chris Pavlovski đã rời châu Âu ngày 25-8 và cho biết Pháp cũng đã “đe dọa” nền tảng của ông.

Đến nay, Pháp chưa chính thức lên tiếng về vụ bắt CEO Telegram.

“Mark Zuckerberg của Nga” và Telegram

Ông Durov được gọi là “Mark Zuckerberg của Nga” sau khi đồng sáng lập nền tảng truyền thông xã hội VKontakte (VK) tại Nga vào năm 2006.

Ông Durov cùng anh trai đã thành lập Telegram vào năm 2013. Năm 2014, ông rời khỏi Nga sau khi từ chối tuân thủ yêu cầu của chính phủ về việc đóng cửa các cộng đồng đối lập trên VK.

Sau khi rời Nga, ông Durov tập trung phát triển Telegram. Ban đầu, Telegram tương tự như các ứng dụng nhắn tin khác, nhưng sau đó đã tách ra để trở thành một mạng xã hội.

Ông Durov sống tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)), nơi đặt trụ sở Telegram. Ông có quốc tịch Pháp và UAE.

Theo tờ The Guardian, tại UAE, Telegram không phải chịu nhiều áp lực trong việc kiểm duyệt nội dung trong bối cảnh các chính phủ phương Tây đang cố gắng trấn áp các nội dung kích động thù địch, thông tin sai lệch,...

Theo tạp chí Forbes, tính đến ngày 25-8, giá trị tài sản ròng của ông Durov ước tính là 15,5 tỉ USD. Ông Durov hiện đứng thứ 120 trong danh sách tỉ phú giàu nhất thế giới do Forbes bình chọn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm