In lén hay “thổi phồng” lượng sách đã bán?

Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM vừa hoãn xử vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa ông Đỗ Huy Thái (ngụ quận Gò Vấp) với ông Võ Thành Tân (chủ doanh nghiệp tư nhân (DNTN) sách Thành Nghĩa) để thu thập thêm chứng cứ.

Bên nói 30.000, bên bảo chỉ có 2.000

Trước đó, tháng 1-2013, ông Thái đã khởi kiện ông Tân ra TAND TP.HCM đòi bồi thường 230 triệu đồng gồm tiền tác quyền 30.000 đầu sách Phải làm giàu và 5 triệu đồng tiền tổn thất về tinh thần.

Ông Thái khai ông là tác giả của đầu sách Phải làm giàu, đã ký hợp đồng liên kết xuất bản với DNTN sách Thành Nghĩa vào tháng 4-2007. Theo đó, DNTN sách Thành Nghĩa chỉ được quyền phát hành, khai thác cuốn sách trên gồm hai tập Tâm thức (giá 40.000 đồng) và Tài lực (giá 45.000 đồng) với số lượng phát hành 1.000 cuốn cho mỗi tập sách trong vòng hai năm. Tuy nhiên, đến nay các tập sách trên mặc nhiên được phát hành công khai với số lượng in đã bán hết (ghi ngoài bìa sách) là 15.000 bản mỗi tập mà chưa được sự chấp thuận, cho phép của ông. Ông Thái cho rằng DNTN sách Thành Nghĩa đã in 30.000 cuốn sách vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của ông, gây thiệt hại cho ông về nhuận bút, chưa kể phía DN còn tự tiện thay đổi hình thức mẫu bìa sách. Dù đã nhiều lần làm việc yêu cầu phía DN bồi thường nhưng không được giải quyết nên ông phải kiện ra tòa.

Trong khi đó, phía ông Tân khẳng định không hề vi phạm vì ông Thái ký hợp đồng liên kết xuất bản với NXB Văn hóa Thông tin chứ không phải với DNTN sách Thành Nghĩa. Ông Thái được NXB này ủy quyền ký hợp đồng in với Công ty CP In Tiền Giang. Phía ông Tân chỉ thực hiện việc in theo ủy quyền của NXB và được ông Thái đồng ý. Ông Thái cũng đã nhận tiền tác quyền đầy đủ.

Đặc biệt, phía ông Tân cho rằng theo quyết định xuất bản thì mỗi tập sách trên chỉ in 1.000 cuốn nên ông Tân chia thành hai đợt. Đợt đầu in 500 cuốn phục vụ cho độc giả bình dân, ít tiền, chọn giấy in chất lượng không cao nhằm giảm giá bìa. Đợt hai in 500 cuốn phục vụ độc giả cao cấp, có điều kiện tài chính, giấy in chất lượng cao và đương nhiên giá bìa cũng cao. Con số “trên 15.000 bản đã bán hết” in trên bìa mỗi tập sách là con số quảng cáo nhằm làm cho người đọc chú ý chứ không phải số lượng in thật sự. Khi ghi quảng cáo như vậy, ông Tân có hỏi ý kiến ông Thái và được ông Thái đồng ý bằng miệng…

Tòa sơ thẩm: DN đã in thêm nhiều lần

Xử sơ thẩm hồi tháng 2-2014, TAND TP.HCM xác định ông Thái là tác giả - chủ sở hữu tác phẩm Phải làm giàu. Về chứng cứ, ông Thái đã giao nộp cho tòa trang bìa hai tập sách có giá bán 50.000 đồng đều có logo ghi “trên 15.000 bản đã bán hết”. Màu sắc, hình ảnh thiết kế của hai trang bìa của mỗi tập sách này đều khác so với hai tập sách được các bên thỏa thuận liên kết xuất bản (có giá bán lần lượt là 40.000 đồng và 45.000 đồng). Phía công ty in cũng xác nhận ông Tân chỉ đặt in một lần với tổng số 2.000 cuốn.

Trong quá trình tòa giải quyết, phía ông Tân thừa nhận hai tập sách có giá 50.000 đồng có hình thức thiết kế trang bìa và chất lượng ruột khác với hai tập sách có giá 40.000 đồng và 45.000 đồng nhưng không chứng minh được tính hợp lý của sự khác nhau này. Từ đó, tòa cho rằng có thể xác định hai cuốn sách trên không được in trong thời điểm phát sinh liên kết giữa hai bên. Theo số liệu “trên 15.000 bản đã bán hết” đăng trên bìa hai tập sách giá 50.000 đồng thì có cơ sở cho rằng ông Tân đã in nhiều lần mà không được phép của tác giả, cụ thể là 30.000 tập sách. Việc ông Tân lý giải rằng in đợt hai, để logo quảng cáo là không có căn cứ.

Từ đó, tòa tuyên buộc ông Tân có trách nhiệm trả nhuận bút 30.000 tập sách giá 50.000 đồng (10%) là 150 triệu đồng. Tòa cũng nhận định hành vi phát hành thêm sách của ông Tân là trái luật, gây tổn thất về tinh thần cho ông Thái nên buộc ông Tân bồi thường thêm 5 triệu đồng.

Ngay sau đó ông Tân kháng cáo, cho rằng tòa sơ thẩm chưa có căn cứ để xác định DN của ông in 30.000 cuốn sách mà đó chỉ là lời quảng cáo. Tại phiên phúc thẩm mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao nhận định để làm rõ chi tiết này thì các bên cần bổ sung thêm chứng cứ nên đã hoãn xử như trên.

ÁI MINH

 

Hành vi xâm phạm quyền tác giả

- Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.

- Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

- Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của luật này.

- Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của luật này.

- Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.

- Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

(Trích Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm