Pháp Luật TP.HCM giúp nhiều bạn đọc gỡ vướng

(PLO)- Không được gắn đồng hồ nước, không được nhận con sau khi có bản án của tòa… là những phản ánh của bạn đọc đã được Pháp Luật TP.HCM thông tin và nhận được kết quả tích cực sau đó.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đội ngũ những người làm báo Pháp Luật TP.HCM luôn cố gắng để tờ báo ngày càng hấp dẫn, kịp thời, chính xác và dân sinh hơn với bạn đọc.

Với tiêu chí trên, thời gian qua Pháp Luật TP.HCM đã nhận được rất nhiều thông tin của bạn đọc phản ánh đến báo qua nhiều hình thức như đến trực tiếp tại phòng Tiếp bạn đọc của báo, gọi điện thoại qua đường dây nóng, gửi thông tin qua trang fanpage hay email… về những vấn đề còn vướng mắc, bất cập trong cuộc sống.

Từ những phản ánh mà bạn đọc cung cấp, PV đã đi tìm hiểu, viết bài phản ánh và mang lại những kết quả tích cực đối với bạn đọc.

Giúp dân có nước sạch sinh hoạt

Tháng 7 vừa qua, anh Trần Cẩm Hoa (ngụ xã Qui Đức, huyện Bình Chánh, TP.HCM) gửi đơn đến báo thông tin về việc nhà anh không được gắn đồng hồ nước.

Cụ thể, vào năm 2018, anh cùng các hộ dân ở khu vực này có nộp đơn đến Xí nghiệp Cấp nước sinh hoạt nông thôn TP.HCM xin được cấp nước máy để sử dụng.

Tuy nhiên, một thời gian sau đó, các hộ dân xung quanh nhà anh Hoa được phía xí nghiệp gắn tạm đồng hồ nước ở đầu hẻm và các hộ dân tự kéo đường ống về nhà để sử dụng nước. Riêng hộ anh Hoa lại không được cấp tạm đồng hồ nước giống như các hộ khác.

Suốt nhiều năm không có nước máy sử dụng, gia đình anh Hoa gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Anh Hoa cũng không rõ lý do vì sao vào thời điểm năm 2018, anh nộp đơn và làm đầy đủ giấy tờ giống như các hộ dân xung quanh nhưng lại không được cấp nước.

Sau khi nhận được phản ánh của anh Hoa, PV liên hệ với Xí nghiệp Cấp nước sinh hoạt nông thôn TP.HCM và Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) để tìm hiểu.

Ngày 31-7, báo có bài phản ánh. Ngay sau khi bài báo được đăng tải, xí nghiệp cấp nước đã xuống khảo sát và gắn đồng hồ nước cho gia đình anh Hoa.

“Tôi thật sự cảm ơn sự quan tâm và giúp đỡ kịp thời, nhanh chóng của quý báo. Nhờ thông tin phản ánh kịp thời của quý báo mà nay gia đình tôi đã được dùng nước sạch, không còn phải sử dụng nhờ nước của nhà hàng xóm với chi phí cao. Một lần nữa xin cảm ơn Báo” - anh Hoa bày tỏ.

"Tôi được nhận lại con"

Đầu năm 2023, Pháp Luật TP.HCM nhận được đơn cầu cứu của chị OCL (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) phản ánh việc đã hơn một năm nay chị không được gặp con. Cụ thể, sau khi ly hôn, chồng và gia đình nhà chồng không cho chị gặp con và chị cũng không được nhận con về nuôi theo như bản án của tòa.

Sau khi tìm hiểu vụ việc, ngày 29-3, Pháp Luật TP.HCM có bài viết “Mất dấu núm ruột, đứt gãy tình mẫu tử”. Sau khi bài báo được đăng, cùng với lòng khao khát được gặp con và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, đến tháng 5, chị OCL đã được sum vầy cùng con gái gần bốn tuổi của mình.

Nhớ lại khoảng thời gian khi phải sống xa con, chị L ngậm ngùi cho biết tháng 3-2022, Chi cục Thi hành án (THA) dân sự TP Thủ Đức ra quyết định THA, buộc chồng cũ của chị là anh H giao con cho chị trực tiếp nuôi dưỡng. Tuy nhiên, trong quá trình THA, anh H không chấp hành mà đưa con đi nơi khác sinh sống.

Sau bao ngày tìm kiếm, khoảng cuối tháng 3-2023, chị L biết được anh H đang sống tại một chung cư ở phường Đông Hưng Thuận, quận 12. Ngay lập tức, chị L đã cung cấp địa chỉ mới của anh H và yêu cầu Chi cục THA dân sự TP Thủ Đức ủy thác THA sang Chi cục THA dân sự quận 12.

Thời gian này, chị L thường xuyên đến chung cư để chờ gặp con gái nhưng không được. Qua xác minh của công an khu vực, chị L được biết anh H ở cùng gia đình mới chứ không ở cùng con gái.

Với linh cảm của người mẹ, vào tháng 4, chị L đã tìm về quê của anh H ở tận miền Bắc để tìm con.

Lần theo địa chỉ quê của chồng cũ, chị đến một gia đình ở xã Đồn Xá, huyện Bình Lục, Hà Nam. Đúng theo suy nghĩ của chị, con gái chị đang sống ở đây cùng ông bà nội.

Lúc đó, dù gia đình nhà chồng cũ không đồng ý giao con nhưng chị đã quyết tâm nhờ cơ quan THA và chính quyền xã Đồn Xá can thiệp, cuối cùng chị cũng được đoàn tụ với con gái của mình.

“Được nhận con, tôi rất cảm ơn Chi cục THA dân sự quận 12 vì sự vào cuộc quyết liệt của chấp hành viên và cơ quan THA này. Qua đây, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến báo đã giúp tôi nói lên nỗi lòng mong mỏi được giao con, từ đó thúc đẩy sự việc có kết quả tốt đẹp như hôm nay” - chị L chia sẻ.

p4-ky-niem-thanh-lap-bao-h1.jpg
Sau khi báo phản ánh vụ việc, gia đình anh Trần Cẩm Hoa đã được gắn đồng hồ nước.
Ảnh: TRẦN MINH

Báo có thông tin pháp luật hữu ích

Vừa qua báo cũng nhận được thông tin phản ánh của chị Phan Thị Quế Hương (ngụ phường 1, quận 8, TP.HCM) về việc mình chuyển tiền nhầm tài khoản và không được trả lại tiền.

Cụ thể, chị Hương đã chuyển tiền nhầm vào tài khoản ngân hàng của người đàn ông tên T gần 17 triệu đồng. Sau khi phát hiện, chị Hương đã liên hệ ngay với người này để xin được nhận lại số tiền đã chuyển nhầm. Tuy nhiên, sau nhiều lần liên lạc và người này thừa nhận nhận tiền nhưng đã không trả lại cho chị Hương.

p4-ky-niem-thanh-lap-bao-h2.jpg

Cùng với phản ánh của chị Hương và ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, Báo có đăng bài “Chuyển tiền nhầm tài khoản, khổ chủ gặp khó khi đòi lại”.

Sau đó, chị Hương đã gửi đơn tố giác tội phạm đến cơ quan Công an quận 7 (TP.HCM) vì bị ông T thực hiện hành vi chiếm giữ trái phép tài sản. Cơ quan Công an quận 7 cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự chiếm giữ trái phép tài sản theo tin tố giác tội phạm của chị Hương.

Mới đây, chị Hương thông báo với PV là chị đã nhận lại số tiền mà chị chuyển nhầm do ông T chuyển khoản trả lại cho chị.

“Dù số tiền tôi chuyển nhầm không lớn nhưng đối với người lao động như tôi thì nó không hề nhỏ. Nhận lại được tiền đã chuyển nhầm, tôi rất cảm ơn Pháp Luật TP.HCM đã quan tâm, có bài phản ánh và có những thông tin pháp lý thật hữu ích, mang lại hiệu quả tích cực cho bạn đọc. Từ câu chuyện của mình, tôi mong rằng những người đã vô tình nhận được tiền mà người khác chuyển nhầm sẽ có cách giải quyết hợp lý để không vi phạm pháp luật” - chị Hương chia sẻ.•

Nhiều kênh để hỗ trợ bạn đọc hiệu quả nhất

Hiện Pháp Luật TP.HCM có nhiều kênh để tiếp nhận, hỗ trợ, xử lý thông tin cũng như tương tác với bạn đọc một cách nhanh và hiệu quả nhất.

Cụ thể như chương trình Trợ giúp pháp lý miễn phí của báo với đội ngũ hơn 50 luật sư có nhiều kinh nghiệm ở tất cả lĩnh vực hình sự, dân sự… thu hút nhiều lượt bạn đọc đến tư vấn.

Thắc mắc của bạn đọc khi đến gặp luật sư để tư vấn thường xoay quanh các vấn đề như tranh chấp đất đai nhiều năm không tìm ra hướng giải quyết; người dân gửi phản ánh, khiếu nại đến cơ quan chức năng nhưng chưa được trả lời thỏa đáng. Đặc biệt, gần đây nhiều bạn đọc phản ánh việc bị mất tiền do đầu tư bất động sản ảo, tham gia đầu tư online, tìm việc làm online…

Ngoài ra, báo còn tiếp nhận, xử lý đơn, thư, thông tin bạn đọc đa dạng qua các kênh khác như nhận qua đường bưu điện, email, gọi điện thoại đến đường dây nóng của báo hay nhắn tin qua trang fanpage…

Từ các thông tin bạn đọc cung cấp, PV đã đi xác minh và cho ra sản phẩm là những bài viết mang lại tác động tích cực, có phản hồi hiệu quả…

NGUYỄN CHÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm