Bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự vụ giữ người ở quán cà phê sẽ kêu oan tiếp

Chiều 11-1, TAND quận Tân Bình, TP.HCM tuyên miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) cho cả bốn bị cáo Phan Văn Hùng (62 tuổi, ngụ Cần Thơ), Bùi Xuân Hùng, Nguyễn Văn Tân và Nguyễn Văn Kỳ.

Bị cáo Văn Hùng, Xuân Hùng và Tân bị truy tố tội giữ người trái pháp luật; còn bị cáo Kỳ bị truy tố tội bắt, giữ người trái pháp luật.

Hành vi bắt, giữ người trái pháp luật không còn nguy hiểm?

HĐXX cho rằng thời điểm xảy ra vụ án là tháng 7-2014, các bị cáo phạm tội theo quy định tại BLHS 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Đến khi vụ án được đưa ra xét xử, BLHS năm 2015 sửa đổi, bổi sung năm 2017 đã có hiệu lực.

Bốn bị cáo được tòa tuyên miễn trách nhiệm hình sự do hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội và bị hại có đơn xin miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Đối chiếu các quy định về miễn TNHS tại Điều 7 và khoản 3 Điều 29 BLHS 2015, HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo tại thời điểm xét xử đã không còn nguy hiểm cho xã hội; đồng thời bị hại có đơn xin miễn TNHS cho các bị cáo nên có căn cứ tuyên miễn TNHS.

Theo đó, khoản 3 Điều 29 BLHS 2015 quy định: “Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; hoặc tài sản của người khác đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại; hoặc khắc phục hậu quả và được bị hại hoặc người đại diện của bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS thì có thể được miễn TNHS”.

Trước đó, phần luận tội tại phiên tòa ngày 5-11, đại diện VKS nhận định hành vi bắt giữ và sử dụng vũ lực đối với bị hại Lê Văn Minh được diễn ra trước mặt bị cáo Văn Hùng (ngồi đối diện bị hại). Bị cáo Xuân Hùng đã gọi bị cáo Tân và bị cáo Kỳ đến quán cà phê để giữ, dùng bạo lực đe dọa ông Minh nhằm ép ghi giấy nợ và dùng giấy tờ nhà đất để gán nợ.

Vì vậy, đai diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt như án sơ thẩm lần 1 và lần 2 đối với hai bị cáo Hùng và bị cáo Kỳ (phạt một năm sáu tháng ba ngày tù), phạt bị cáo Tân một năm tù nhưng cho hưởng án treo.

"Tôi sẽ tiếp tục kêu oan" 

Tôi không có bất cứ hành vi nào uy hiếp tinh thần hay tước đoạt sự tự do thân thể, tự do dịch chuyển của ông Minh. Tôi chưa từng gây nguy hiểm cho xã hội nên HĐXX nhận định hành vi của tôi không còn nguy hiểm cho xã hội nữa để miễn TNHS cho tôi là nói oan cho tôi.

Những năm qua, tôi không nề hà đêm hôm, tòa triệu tập là tôi từ Cần Thơ lên TP.HCM để mong được tòa giải oan. Nay tòa tuyên miễn TNHS có nghĩa là tôi vẫn có tội. Tôi nhất định phải kêu đến cấp cao hơn. 

Ông PHAN VĂN HÙNG 

Tám  năm liên  tc kêu  oan

Vụ án bắt nguồn từ việc ông Văn Hùng một mình đi đòi nợ và ngồi chờ con nợ trả tiền xảy ra từ tám năm trước. Ông Minh nợ ông 80 triệu đồng từ năm 2009. Ngày 16-7-2014, ông từ Cần Thơ lên TP.HCM gặp ông Minh để đòi nợ. Những năm trước đó, ông đã đòi ông Minh nhiều lần nhưng ông Minh không trả.

Khi ông vào quán cà phê trên đường Trường Sơn, quận Tân Bình cùng ông Minh thì nhóm chủ nợ khác đã có mặt. Ông Văn Hùng không quen biết gì nhóm này. Đoạn video mà VKS công chiếu tại tòa cũng thể hiện không có sự việc ông Văn Hùng lên kế hoạch bàn bạc, phân công người bắt giữ ông Minh, cũng không tham gia đánh hay ép ông Minh ghi giấy nợ.

Ban đầu, ông Văn Hùng ngồi cùng bàn với ông Minh và nhóm chủ nợ kia, lát sau ông qua bàn khác ngồi đọc báo, chờ ông Minh thực hiện lời hứa trả nợ. Trong cáo trạng, VKS có nhắc đến tình tiết là lời khai của bị hại Minh: “Nếu chiều nay không giải quyết xong nợ sẽ bị bắt đưa đi Campuchia để giải quyết” nhưng VKS vẫn chưa làm rõ ai là người nói câu này.

Ông Văn Hùng khẳng định ông không nói câu này, hành vi của những bị cáo khác không liên quan gì với ông. Video quay lại sự việc cũng thể hiện không có việc ông o ép gì ông Minh. Mọi sự việc diễn ra trong quán cà phê đông người qua lại…

Ông Minh thừa nhận có nợ của ông Văn Hùng 80 triệu đồng, nhiều năm nay vẫn chưa trả. Ông cũng còn nợ chủ nợ kia (bị cáo Xuân Hùng) 350 triệu đồng. Ông trình bày nếu không bị khống chế, uy hiếp thì ông sẽ không nghĩ đến việc gán nợ bằng giấy tờ nhà. 

Hai bản án sơ thẩm của TAND quận Tân Bình đều bị cấp phúc thẩm hủy vì không đủ cơ sở buộc tội ông Văn Hùng. Dù đều bị phạt bằng thời hạn tạm giam nhưng cả hai lần ông đều kháng cáo kêu oan.

Cơ quan điều tra và VKSND quận Tân Bình sau đó đã đổi tội danh của 3/4 bị cáo từ bắt, giữ người trái pháp luật sang tội giữ người trái pháp luật.

Miễn trách nhiệm hình sự là không phù hợp

Theo BLHS 2015, để được miễn TNHS phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 29. Việc HĐXX tuyên miễn TNHS nghĩa là bị cáo vẫn bị coi là phạm tội nhưng bị cáo không phải chịu các hậu quả pháp lý hình sự bất lợi như hình phạt, biện pháp tư pháp, án tích...

Điều đáng lưu ý là HĐXX nhận định hành vi bắt, giữ người trái pháp luật của các bị cáo tại thời điểm xét xử đã không còn nguy hiểm cho xã hội. Nhận định này là không phù hợp với quy định tại Điều 157 BLHS 2015 vì so với Điều 123 BLHS 1999 thì Điều 157 BLHS 2015 quy định mức hình phạt nặng hơn. Nghĩa là nhà làm luật cho rằng hành vi bắt giữ người trái pháp luật hiện tại ngày càng phổ biến và cần xử lý nghiêm khắc hơn nên mới sửa đổi tội này theo hướng tăng mức hình phạt.

Do đó, cần phải xem xét lại việc miễn TNHS trong vụ án này vì trước đó nhiều bị cáo đã bị tạm giam hơn 18 tháng. Nếu xác định hành vi của các bị cáo không cấu thành tội phạm thì phải tuyên các bị cáo không phạm tội. Nếu xác định hành vi của các bị cáo cấu thành tội phạm và có thể được miễn TNHS thì việc áp dụng phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định tại Điều 29 BLHS 2015.

Vụ án này, ông Phan Văn Hùng kêu oan, cho rằng mình không phạm tội. Vì vậy, việc HĐXX tuyên miễn TNHS đồng nghĩa với việc ông sẽ không được bồi thường oan theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

ThS TRẦN THANH THẢO, giảng viên Khoa luật hình sự,
Trường ĐH Luật TP.HCM
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm