Ca khúc trước 1975 và sự buông bớt ở Bộ Văn hóa

Từ ngày 1-2-2021, sẽ không còn việc các ca khúc trước 1975 phải đợi Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) cấp phép phổ biến thì mới được hát. 
Cũng từ đầu tháng 2, sẽ không còn việc các nghệ sĩ Việt định cư tại nước ngoài muốn về nước biểu diễn phải đợi Cục Nghệ thuật biểu diễn (và Sở VH-TT các tỉnh, thành) lần lượt cấp phép...

Ca sĩ Chế Linh thường xuyên về Việt Nam biểu diễn. Trong ảnh: Ca sĩ Chế Linh tại Hà Nội vào tháng 3-2019. Ảnh do ban tổ chức cung cấp

Sau thời gian dài siết chặt nhiều lúc đến mức gây khó khăn, Nghị định 144/2020 (quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn) đưa ra được nhiều thay đổi tích cực như thế.
Phải nói ngay tuy cùng có 31 điều nhưng so với Nghị định hiện hành là 79/2012 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 15/2016) thì Nghị định 144/2020 gọn ghẽ, thông thoáng hơn rất nhiều.
Đơn cử là phần quy định cấm. Ngoài quy định chung (như nghiêm cấm kích động nhân dân chống lại Nhà nước; tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại; truyền bá tư tưởng, văn hóa phản động, lối sống dâm ô đồi trụy...), Nghị định 79/2012 còn đưa ra nhiều cấm đoán dài ngoằng, chi ly dành cho tổ chức, cá nhân biểu diễn. 
Chẳng hạn, cấm thay đổi nội dung, thêm động tác diễn xuất khác với nội dung đã được phép biểu diễn; sử dụng trang phục hoặc hóa trang không phù hợp với mục đích, nội dung biểu diễn... Hay như cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn (thường gọi là hát nhép)... 
Ngược lại, theo Điều 3 Nghị định 144/2020 thì chỉ có bốn điều cấm khá dễ nhớ. 
Gồm có: 1. Chống nhà nước; 2. Xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; xâm phạm an ninh quốc gia; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc... 3. Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược… 4. Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.
Không chỉ thế, khác với hai nghị định hiện hành, Nghị định 144/2020 bỏ hẳn quy định về loại ca khúc “đã được phép phổ biến”, bãi bỏ quy định ca sĩ “chỉ được biểu diễn các bài hát đã được phép phổ biến”. 
Và như vậy thì không còn sự phân biệt đối xử đó là ca khúc trước 1975 hay ca khúc do giới nghệ sĩ Việt ở nước ngoài sáng tác như trước nữa. Bất kỳ ca khúc nào cũng đều có thể được hát biểu diễn miễn sao không vi phạm vào bốn điều cấm đã nêu ở trên. 
Từ đây, những “tuyệt khúc” sẽ được đàng hoàng sống dậy trên sàn diễn làm phong phú thêm đời sống tinh thần của cộng đồng.
Cũng theo nghị định mới, khi muốn tổ chức biểu diễn nghệ thuật để phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nội bộ, tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, vui chơi, không bán vé…, tổ chức, cá nhân chỉ cần thông báo đến UBND tỉnh hoặc UBND huyện. 
Riêng đối với các hoạt động biểu diễn của các đơn vị có chức năng biểu diễn nghệ thuật hoặc của các tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh hoạt động biểu diễn nghệ thuật thì cần có văn bản chấp thuận của Bộ VH-TT&DL hoặc UBND tỉnh (nghị định hiện hành dùng từ cấp giấy phép tổ chức biểu diễn). Điều đáng lưu ý là mẫu văn bản đề nghị tổ chức biểu diễn nghệ thuật không yêu cầu ghi tên các ca sĩ biểu diễn. 
Như thế, khi không còn bị soi xét riêng, các ca sĩ hải ngoại có thể về nước biểu diễn theo sở thích, nhu cầu, không còn phải xin phép biểu diễn ở trong nước nữa. 
Có thể nói Nghị định 144/2020 đã chấm dứt khá nhiều việc xin-cho trong biểu diễn nghệ thuật để cá nhân người nghệ sĩ được gỡ bỏ nhiều ràng buộc vô lý.
Cùng với đó, nghị định cũng giảm bớt việc quản lý dài tay hay những can thiệp không cần thiết của các cơ quan quản lý nhà nước vào hoạt động biểu diễn nghệ thuật vốn luôn cần không gian sáng tạo rộng mở. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.