Chánh án Tối cao: 'Vụ Ninh Thuận vừa rồi, tôi rất đau lòng'

Ngày 10-1, phát biểu bế mạc Hội nghị triển khai công tác tòa án, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh năm nội dung quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ năm 2022.

Quý I-2022, các địa phương phải tổ chức phiên tòa trực tuyến

Thứ nhất, liên quan đến công tác hòa giải, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị toàn hệ thống ngành tòa án cần nhận thức lại ý nghĩa, vai trò của hòa giải. Ông Bình nhấn mạnh phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022, nếu không sẽ không hoàn thành nhiệm vụ và thiếu trách nhiệm với dân.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2022. Ảnh: CTV

Chánh án TAND Tối cao cho hay chỉ tiêu thi đua năm 2022 sẽ được điều chỉnh theo hướng một vụ hòa giải thành sẽ tương ứng với một vụ án xét xử. “Đơn vị nào tỉ lệ hòa giải thấp sẽ không có danh hiệu thi đua. Cá nhân, tập thể nào có thành tích tốt trong hòa giải cũng được xét phần thưởng cao quý tương tự như xét xử” - ông Bình nói. Ông đề nghị các tòa án cấp huyện phải đặc biệt quan tâm vấn đề này vì khả năng hòa giải thành ở cấp huyện rất cao. Chánh án cũng đề nghị tòa án cấp tỉnh tổ chức sơ kết công tác hòa giải để nghe các hòa giải viên có ý kiến và rút kinh nghiệm.

Thứ hai, về xét xử trực tuyến, ông Bình cho hay các cấp tòa án chưa trang bị đủ các thiết bị cho công tác này. Sau hội nghị, Chánh án yêu cầu Cục Kế hoạch tài chính (TAND Tối cao) hướng dẫn các địa phương xây dựng đề án trang bị các thiết bị phục vụ công tác này. “Mỗi tỉnh, thành phố phải có tối thiểu một phòng xử án để xét xử trực tuyến” - ông Bình yêu cầu.

Xác định rõ chưa thể trang bị được ngay cho 700 tòa án cấp huyện, Chánh án TAND Tối cao đề nghị phân loại, những quận, huyện có quy mô từ 1.000 vụ trở lên ưu tiên đầu tư như cấp tỉnh.

Đặc biệt, Chánh án Tòa Tối cao yêu cầu trong quý I-2022, tất cả địa phương đều phải tổ chức phiên tòa trực tuyến và báo cáo TAND Tối cao. Theo đó, tất cả các tỉnh phải giao nhiệm vụ này cho tòa chuyên trách, lựa chọn vụ án đơn giản để tổ chức những phiên tòa đầu tiên, có vướng mắc hỏi kinh nghiệm của tòa cấp cao Hà Nội, tòa Bắc Giang và Hải Phòng - nơi đã tổ chức thành công những phiên tòa trực tuyến đầu tiên.

“Chúng ta muốn chạy thì trước tiên phải đi. Bước đi đầu tiên có thể vấp, vấp một vài lần rồi chạy cho tốt nhưng nếu cứ làm thinh, chờ mãi thì không ổn” - ông Bình nói thêm. Ông yêu cầu các tòa cấp cao phải thường xuyên áp dụng các phiên tòa trực tuyến; tòa cấp tỉnh, cấp huyện khuyến khích làm càng nhiều càng tốt.

“Không tự tin công bố bản án thì bảo dân tin làm sao?”

Nội dung thứ ba, Chánh án TAND Tối cao lưu ý về việc sử dụng phần mềm trợ lý ảo. Ông cho hay giai đoạn 1, phần mềm trợ lý ảo chỉ cung cấp bốn dịch vụ: Giới thiệu điều luật, hệ thống luật để các thẩm phán áp dụng; giới thiệu những án lệ liên quan đến vụ án để vận dụng xét xử; những vấn đề trong giải đáp nghiệp vụ (gồm hai phần là giải đáp chính thống của hội đồng thẩm phán gồm 300 câu và giải đáp của các thẩm phán có kinh nghiệm để tham khảo); đưa ra các vụ án có tình huống pháp lý tương tự để tham khảo.

Với việc công bố được 770.000 bản án trong bốn năm qua, ông Bình đánh giá đây là nguồn dữ liệu quan trọng cho trợ lý ảo tìm kiếm, chỉ dẫn áp dụng. Từ đó, Chánh án đề nghị các tòa án tăng cường công bố bản án trên cổng thông tin điện tử, coi đây là việc thực hiện nhiệm vụ năm 2022.

Ông Bình sau đó “điểm” tên năm địa phương đứng “đội sổ”, công khai bản án với tỉ lệ rất thấp năm 2021, gồm Trà Vinh (8%), Đồng Tháp (15%), Khánh Hòa (19%), Bình Định (20%), Quảng Nam (21,4%).

“Công khai bản án để người dân giám sát hoạt động của chúng ta, để đề cao trách nhiệm của thẩm phán, để các thẩm phán mỗi khi viết bản án thận trọng hơn. Và bây giờ, việc công khai bản án còn là kho dữ liệu làm giàu tri thức của phần mềm trợ lý ảo. Chúng ta càng công bố nhiều thì trợ lý ảo càng có điều kiện nghiên cứu các tình huống pháp lý tương tự, từ đó đưa cho chúng ta những lời khuyên chính xác hơn” - vẫn lời Chánh án TAND Tối cao.

Ông Bình cho rằng “làm thẩm phán mà không công bố bản án thì chỉ có hai khả năng, hoặc anh không xử, hoặc anh xử dỏm quá không dám công bố”. Ông yêu cầu lập danh sách gửi cho các chánh án tòa cấp tỉnh những thẩm phán không công bố hoặc công bố quá ít các vụ án để đôn đốc, nhắc nhở.

“Cả hai trường hợp này đều không xứng đáng làm thẩm phán. Bản thân anh không tự tin đưa bản án anh xét xử lên mạng thì bảo dân tin làm sao?” - ông Bình nói tiếp.

Cải cách tư pháp: Cơ hội để biến đổi ngành tòa án

Thứ tư, liên quan đến công tác giám đốc thẩm, tái thẩm, Chánh án lưu ý “vi phạm tố tụng nghiêm trọng và làm thay đổi bản chất vụ án” mới là điều kiện kháng nghị giám đốc thẩm. Các tòa án cấp trên cần nhận thức rõ chức năng của mình là sửa sai những bản án có sai sót của cấp dưới, đồng thời có bổn phận bảo vệ quyền xét xử của tòa án/thẩm phán. Chánh án đề nghị khi kháng nghị/xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm phải hết sức thận trọng. “Vụ Ninh Thuận vừa rồi, tôi rất đau lòng” - ông Bình chia sẻ.

Thứ năm, về cải cách tư pháp, Chánh án TAND Tối cao cho rằng “đây là cơ hội để chúng ta biến đổi ngành, cơ hội để chúng ta sẽ phát triển thêm, cơ hội để chúng ta xây dựng tòa án thực sự trong sạch vững mạnh, hiện đại, liêm chính, là chỗ dựa của công lý, cơ hội để tăng uy tín và niềm tin của nhân dân đối với thẩm phán”.

Theo ông Bình, bản chất của tư pháp là công khai, minh bạch. Nền tư pháp văn minh cần có được bảy “công khai”: Công khai hệ thống pháp luật và các giải pháp; cán bộ thụ lý vụ án để toàn dân giám sát; tiến độ thụ lý; quá trình xét xử; kết quả xét xử; quá trình thi hành án; kết quả xét miễn giảm án.

“Nhiều nội dung công khai chúng ta đã làm được nhưng có những nội dung công khai trở thành áp lực đối với chúng ta. Công khai tiến độ giải quyết án là áp lực cực lớn với các thẩm phán” - ông Bình nói.

 

Những “điểm nhấn” của ngành tòa án năm 2021

Đánh giá về công tác năm 2021, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhận định các tòa án cơ bản đạt được các mục tiêu đã đề ra. Trong bối cảnh tỉ lệ xét xử của hầu hết các cấp đều bị ảnh hưởng do dịch bệnh, ông Bình ghi nhận các tòa án “đã có nhiều cố gắng và nỗ lực”.

Điểm lại một số kết quả nổi bật năm qua, Chánh án TAND Tối cao cho rằng các tòa án đã thực hiện tốt các chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và tiêu cực về xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực, được dư luận đánh giá tốt.

Đặc biệt, ngành tòa án đã triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, hòa giải thành hơn 10.000 vụ, tiết kiệm chi phí, công sức cho hơn 10.000 phiên tòa lẽ ra phải mở nếu không hòa giải được. “Đây là một thiết chế mới giải quyết các tranh chấp trong xã hội một cách hòa thuận, đảm bảo cuộc sống người dân không tiếp tục bị rạn nứt hay tổn thương sau mỗi vụ án” - ông Bình nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm