VKSND Tối cao hướng dẫn kiểm sát việc tuân theo pháp luật của tòa án

Theo VKSND Tối cao, nhiều VKS sau khi nhận được đơn của đương sự chỉ chuyển đơn cho tòa án có thẩm quyền giải quyết, không theo dõi kết quả giải quyết, không áp dụng các biện pháp kiểm sát. Cạnh đó, có VKS đã áp dụng biện pháp kiểm sát nhưng không được tòa án thực hiện cũng không kiến nghị với tòa án cấp trên.
Số vụ việc VKS các cấp phát hiện vi phạm để ban hành kiến nghị còn thấp, trong khi đó số bản án, quyết định của tòa án bị cải sửa, hủy ở cấp phúc thẩm và ở thủ tục giám đốc thẩm do vi phạm pháp luật vẫn còn nhiều...
Đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM trong một phiên toà phúc thẩm. Ảnh minh hoạ: NGÂN NGA
Do đó, VKSND Tối cao có văn bản hướng dẫn kiểm sát việc tuân theo pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính của toà án.
Cụ thể, sau khi VKS nhận được đơn khiếu nại, tố cáo hoặc VKS có căn cứ xác định tòa án, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo không ra văn bản giải quyết trong thời hạn quy định thì VKS căn cứ khoản 1 Điều 34 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSTC-TATC; khoản 1 Điều 31 Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSTC- TATC để áp dụng biện pháp kiểm sát yêu cầu tòa án ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trường hợp tòa án không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu của VKS thì VKS kiến nghị với tòa án cấp trên.
Trường hợp VKS nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, nhận đơn khiếu nại, tố cáo hoặc VKS có căn cứ xác định tòa án, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong khi giải quyết thì VKS yêu cầu tòa án kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
VKS yêu cầu tòa án cung cấp hồ sơ, tài liệu về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo khi thuộc một trong các trường hợp sau: VKS nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; VKS đã yêu cầu toà án ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo mà tòa án không thực hiện hoặc thực hiện không đẩy đủ; đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai nhưng người khiếu nại vẫn tiếp tục khiếu nại; khi VKS cần xem xét hồ sơ, tài liệu để quyết định việc kiến nghị.
Sau khi kết thúc kiểm sát, nếu phát hiện vi phạm pháp luật thì VKS có thẩm quyền phải ban hành kiến nghị yêu cầu tòa án có thẩm quyền khắc phục, sửa chữa kịp thời.
Trong quá trình tòa án giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm, đương sự có khiếu nại, tố cáo đối với hành vi, quyết định tố tụng của người tiến hành tố tụng thuộc tòa án nhưng VKS không phát hiện được vi phạm pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo để kiến nghị tòa án khắc phục, sửa chữa.
Tuy nhiên, đến giai đoạn phúc thẩm hoặc thủ tục giám đốc thẩm, VKS có thẩm quyền phát hiện ra vi phạm để kháng nghị, tòa án có thẩm quyền quyết định hủy bản án thì kiểm sát viên, cán bộ được phân công kiểm sát, giải quyết vụ án, kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phải chịu trách nhiệm trước viện trưởng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm