Chuyên gia nói về vụ nhái nhãn hiệu bia Sài Gòn

Như PLOđã thông tin ngày 10-9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã khởi tố vụ án xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (QSHCN) xảy ra tại xã Hòa Long (TP Bà Rịa).

Trước đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh, vào ngày 23-6-2020 đã kiểm tra và phát hiện cơ sở sản xuất kinh doanh Bia Biva có 4.712 thùng bia thành phẩm, 116.700 vỏ lon “BIA SÀI GÒN VIỆT NAM” và 3.300 thùng carton có dấu hiệu “nhái” thương hiệu BIA SÀI GÒN (đã được bảo hộ, thuộc sở hữu của Tổng CTCP Bia -Rượu-Nước giải khát Sài Gòn - SABECO).

Vụ việc tương tự còn xảy ra tại Bình Phước khi Cục Quản lý thị trường tỉnh này cũng đã phát hiện 600 thùng “BIA SÀI GÒN VIỆT NAM” nhái sản phẩm của SABECO.

Sản phẩm có dấu hiệu "nhái" sản phẩm của Sabeco. Ảnh: CTV

Nhiều bạn đọc chưa rõ về tội danh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong vụ án này bởi thực tế khá hiếm vụ bị khởi tố.

Theo TS Bùi Thị Hằng Nga (Trường Đại học Kinh tế-Luật TP.HCM), khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) 2005 (sửa đổi bổ sung 2009), chủ sở hữu sẽ được pháp luật đảm bảo quyền độc quyền của họ đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp (SHCN).

Bất kỳ hành vi nào của chủ thể khác đối với đối tượng SHCN đã được bảo hộ mà không được chủ sở hữu cho phép đều có nguy cơ vi phạm QSHCN.

Khoản 1 Điều 129 Luật SHTT cũng đã liệt kê các hành vi liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là vi phạm.

Cũng theo TS Hằng Nga, Bia Sài Gòn là một nhãn hiệu nổi tiếng (là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam theo khoản 20 Điều 4 Luật SHTT), đã được bảo hộ. 

Do đó hành vi sản xuất sản phẩm có sử dụng từ và hình ảnh trùng hoặc tương tự là hành vi xâm phạm nhãn hiệu theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 129 Luật SHTT.

Tùy  thuộc vào hậu quả của hành vi vi phạm mà có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 99/2013 (về xử phạt hành chính trong lĩnh vực SHCN) hoặc chịu TNHS theo quy định tại Điều 226 BLHS.

“Theo lời khai dựa trên giá thành được doanh nghiệp này chào bán thì đã thu lợi bất chính ban đầu (chưa kể hậu quả phát sinh sau này) hơn 500 triệu đồng (4.712 thùng với giá bán từ 130-160 nghàn đồng/thùng).

Do đó, hành vi này của doanh nghiệp đủ các yếu tố cấu thành tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo quy định Điều 226 BLHS”- TS Hằng Nga nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm