Sau kết luận của C03, Asanzo đã nhận 18 container hàng hóa

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, Cục C03, Bộ Công an đã thông báo cho Tổng cục Hải quan về vụ việc liên quan đến Công ty CP Điện tử Asanzo.

Theo đó, C03 xác định pháp luật hiện hành hiện chưa điều chỉnh về xuất xứ hàng hóa lắp ráp và lưu thông trong nước và cũng chưa có quy định tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn “sản xuất tại Việt Nam”.

Asanzo thực hiện việc mua linh kiện từ các công ty và cá nhân trong nước, trong đó có bốn công ty do những người trong gia đình ông Phạm Văn Tam đứng tên gồm: Công ty CP Điện tử Asanzo Việt Nam, Công ty CP Đầu tư Asanzo, Công ty CP Viễn thông Asanzo và Công ty TNHH Truyền Thông Asanzo. Sau đó thực hiện việc gia công, lắp ráp để tạo ra sản phẩm điện tử hoàn chỉnh rồi ghi nhãn "sản xuất tại Việt Nam” hoặc “chế tạo tại Việt Nam”, “nước sản xuất Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” hoặc “sản xuất bởi Việt Nam”.

Điều này, C03 kết luận, là phù hợp quy định pháp luật hiện hành. C03 cũng cho rằng chưa có căn cứ xác định Asanzo có hành vi lừa dối khách hàng trong việc bán các sản phẩm hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo.

Trung tuần tháng 8-2020, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (ĐTCBL) Nguyễn Hùng Anh thừa lệnh của lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan (TCHQ) gửi công văn cho Cục Hải quan Hải Phòng và TP.HCM về việc này.

Theo đó, vào tháng 10-2019, Cục này phối hợp với các bên liên quan rằng có căn cứ xác định hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ của Asanzo. Bởi trước đó không lâu, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Bộ KH&CN đã hủy một phần hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Asanzo.

Thực hiện thủ tục hành chính về hải quan, Cục ĐTCBL đã lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ 18 container của các công ty liên quan đến Asanzo làm tang vật.

Ngày 1-6, công ty TNHH Pensonich Việt Nam gửi công văn cho Tổng cục Hải quan, Cục ĐTCBL đề nghị rút yêu cầu xử lý vi phạm và dừng xử lý vi phạm về hành vi xâm phạm sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu Asanno, cho các công ty nhận lại hàng hóa đang bị tam giữ.

Trước đó, ngày 15-9-2019 Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Đông Phương, đơn vị nộp đơn yêu cầu xử lý vi phạm đối với Asanzo, đã chuyển nhượng sở hữu nhãn hiệu Asanno cho Công ty TNHH Pensonich Việt Nam và đã đăng ký với cục Sở hữu trí tuệ. Cho đến nay giữa Pensonich Việt Nam và Asanzo không còn tranh chấp nào về nhãn hiệu Asanno.

Sau khi Cục ĐTCBL nhận được công văn của Cục C03, Bộ Công an thì các bên đã có biên bản làm việc, thống nhất nội dung kết luận và xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Hải quan.

Cục ĐTCBL căn cứ Nghị định 99/2013 về xử lý vụ việc vi phạm khi có tranh chấp để giải quyết vấn đề này. Theo đó, “trường hợp đơn yêu cầu xử lý vi phạm đã được thụ lý, nhưng các bên trong vụ việc thỏa thuận được với nhau và đề xuất biện pháp giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật vê sở hữu trí tuệ, không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên thứ ba, người tiêu dùng và xã hội thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm ghi nhận biện pháp giải quyết đó và dừng xử lý vụ việc”.

Cục ĐTCBL đã căn cứ kết quả kiểm tra hàng hoá và hồ sơ, tài liệu và Nghị định 99/2013 để dừng xử phạt vi phạm hành chính các công ty xâm phạm quyền SHTT đối với nhãn hiệu Asanno.

Vì vậy, Cục ĐTCBL đề nghị Cục Hải quan TP.HCM và Cục Hải quan Hải Phòng phối hợp làm thủ tục thông quan cho 18 container hàng hóa của các công ty có liên quan tới Asanzo.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sáng 31-8, đại diện công ty Asanzo cho hay: sau khi nhận được văn bản của Cục ĐTCBL thì các cơ quan liên quan đã thông quan cho các công ty của Asanzo. Cho đến nay, theo đại diện của Asanzo, công ty này đã “lấy hết hàng về rồi”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm