Chuyện pháp đình trong tuần

Cuối tuần rồi, hôm 3-7, vụ tham ô tài sản xảy ra tại Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết và Dịch vụ tổng hợp Đồng Nai bước vào giai đoạn nghị án.

Trước đó đại diện VKSND tỉnh Đồng Nai đề nghị mức hình phạt với nhiều bị cáo. Trong số này, nguyên giám đốc kiêm chủ tịch HĐTV Công ty SXKT Đồng Nai bị đề nghị 18-20 năm tù về tội tham ô tài sản.

Bị cáo Minh và các đồng phạm tại tòa sơ thẩm. Ảnh: VH

Theo đó, dù công ty không đủ điều kiện tăng quỹ lương theo quy định nhưng ông Minh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện sai quy định để hưởng lợi trái phép. Hành vi này gây thiệt hại cho ngân sách gần 79 tỉ đồng, riêng ông Minh được xác định chiếm đoạt trên 4 tỉ đồng. Nói nôm na là ăn cắp của công.

Ngày 2-7, TAND TP.HCM xử sơ thẩm Trần Ngọc Đức, Lê Đại Long, tuyên phạt mỗi người 20 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy.

Theo hồ sơ, Long được thuê đi giao ma túy để nhận tiền công 200.000 - 500.000 đồng/lần. Đức là người nhận hàng từ Long, đã trả hàng trăm triệu đồng để có ma túy sử dụng và bán lại.

HĐXX nhận định hành vi của hai bị cáo đặc biệt nguy hiểm, cần có mức án đủ nghiêm minh để răn đe nên quyết định tuyên án như trên.

Hai bị cáo Đức (bên phải), Long (bên trái) tại HĐXX. Ảnh: NAM AN.

Cũng trong ngày 2-7, cựu cử nhân luật Trần Duy Phúc cùng đồng phạm Nguyễn Trung Dũng bị TAND TP.HCM xử sơ thẩm, tuyên mỗi người 12 năm tù về tội trộm cắp tài sản.

Cơ quan chức năng làm rõ, do cần tiền, Phúc rủ Dũng cải trang nhân viên, đột nhập bãi xe ở huyện Nhà Bè (TP.HCM) trộm ô tô. Vụ trộm thành công, chiếc xe 1,3 tỉ đồng, cả hai tháo 4 bánh đem bán lấy tiền tiêu xài rồi lắp bánh rẻ hơn để chạy.

Đại viện VKS nhận định hai bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, chỉ vì thích sống hưởng thụ, kiếm tiền nhanh nên rủ nhau phạm tội.

Trên đây là ba trong rất nhiều vụ án mà nguyên nhân phạm tội xuất phát từ lòng tham.

Tham là một đặc điểm cố hữu của con người nói chung. Sự tham ấy xuất hiện tích cực khi đó là động lực chinh phục tri thức, mong muốn gặt hái thành công trong sự nghiệp, hay niềm hi vọng về một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc...

Tuy nhiên, có những cái tham khiến xã hội tổn thương, và pháp luật sinh ra để “giương an-ten” cảnh báo cũng như chuẩn bị những biện pháp để quản lý, tiết chế, trừng phạt nó.

Tham thứ không phải của mình hoặc thúc đẩy lòng tham một cách không chính đáng chính là những tác nhân tiêu cực khiến xã hội thêm bất an.

Mà lòng tham kiểu ấy, nếu tồn tại trong những người có học vấn và chức vụ cao thì càng nguy hiểm...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm