Như PLO đã phản ánh, chiều 29-12, kết quả xét nghiệm COVID-19 của người nhập cảnh trái phép vào quận 9, TP.HCM là dương tính với virus SARS-CoV-2.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), đây là một trong sáu người nhập cảnh trái phép từ Myanmar, Thái Lan và Campuchia vào Việt Nam, ngoài các bệnh nhân (BN) 1440, 1451 và một cô gái ở Đồng Tháp (hai người còn lại âm tính). Đến nay cả sáu người này đã được phát hiện và thực hiện cách ly đúng quy định.
Hướng dẫn của Tòa Tối cao
Vấn đề nhiều người quan tâm là theo quy định hiện hành và hướng dẫn của TAND Tối cao, có thể xử lý hình sự hành vi của nhóm người nhập cảnh trái phép này không.
Công văn số 45 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ngày 30-3-2020 (về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19) hướng dẫn chín tội danh theo quy định tại BLHS.
TAND Tối cao hướng dẫn: Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly, thực hiện một trong các hành vi dưới đây gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.
Đó là các hành vi: Trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối. Mức phạt tối đa tại Điều 240 BLHS lên đến 12 năm tù.
Theo hướng dẫn này, ngày 3-12 vừa qua, Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 BLHS liên quan đến BN1342 (nam tiếp viên hàng không Vietnam Airlines). Hiện cơ quan trả lời đang điều tra làm rõ, nếu đủ cơ sở sẽ khởi tố bị can liên quan.
Theo luật sư (LS) Trần Bá Học, Đoàn LS TP.HCM, Công văn số 45 là rất phù hợp, kịp thời trong tình hình dịch bệnh đã và đang diễn biến rất phức tạp. Hướng dẫn này cũng dựa trên cơ sở những hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Khu cách ly của Vietnam Airlines liên quan đến BN1342 (nam tiếp viên hàng không). Ảnh: MINH CHUNG
Khó xử hình sự
ThS Trần Thanh Thảo, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, nhận định hành vi của nhóm người trong vụ này là di chuyển từ vùng dịch về một cách trái phép và hậu quả dẫn đến lây lan mầm bệnh cho người. Hành vi này là vô cùng nguy hiểm và đáng bị lên án nhưng muốn xử lý hình sự thì lại không dễ.
Bởi lẽ, theo hướng dẫn của Công văn 45 trên thì chỉ: Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly, có một trong các hành vi như đã nêu ở trên thì mới xử lý hình sự theo Điều 240 BLHS.
ThS Trần Thanh Thảo phân tích: “Ở đây, BN1440 và năm người khác mặc dù trở về từ vùng dịch nhưng họ đã cố ý nhập cảnh trái phép, nhập cảnh chui về Việt Nam thì sao có thể được thông báo cách ly. Như vậy chỉ có thể xem xét xử lý nhóm người này về tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép theo Điều 347 BLHS”.
Tuy nhiên, điều luật này quy định: Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Như vậy, muốn xử lý họ thì phải có điều kiện là từng bị xử phạt hành chính và vẫn tái phạm, trong khi đây là lần đầu họ vi phạm nên chỉ có thể bị xử phạt hành chính.
Theo LS Trần Bá Học, Công văn 45 không có hướng dẫn về các tội danh liên quan đến xuất nhập cảnh. Như vậy, các hành vi vi phạm liên quan đến việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 có yếu tố xuất nhập cảnh sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự theo quy định chung.
Về hành chính, Nghị định số 167/2013 (xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội…) quy định một số vi phạm sẽ bị phạt hành chính.
Đó là các hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định; trốn hoặc tổ chức, giúp đỡ người khác trốn vào các phương tiện nhập cảnh, xuất cảnh nhằm mục đích vào Việt Nam hoặc ra nước ngoài sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng. Chủ phương tiện, người điều khiển các loại phương tiện chuyên chở người nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam trái phép bị phạt 5-10 triệu đồng.
Hành vi giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác đi nước ngoài, ở lại nước ngoài, vào Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép thì bị phạt 15-25 triệu đồng. Hành vi tổ chức, đưa dẫn hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh vào Việt Nam trái phép bị phạt 30-40 triệu đồng…
Công văn 45 hướng dẫn xét xử rút gọn Cũng theo Công văn 45, TAND Tối cao đã yêu cầu các tòa án chủ động phối hợp với cơ quan điều tra và VKS cùng cấp để áp dụng thủ tục rút gọn các vụ án liên quan đến nội dung hướng dẫn. Thực tế trong đợt dịch bùng phát hồi đầu năm đã có nhiều vụ án liên quan đến COVID-19 được đưa ra xét xử “siêu tốc” trong thời gian rất ngắn, đáp ứng được mục đích kịp thời răn đe, phòng ngừa kịp thời |