Ngoài giới luật sư thì các lĩnh vực bổ trợ tư pháp khác như công chứng, thừa phát lại (TPL) cũng đang phải hoạt động cầm chừng và gồng mình trong đại dịch COVID-19. Nhiều văn phòng đã sụt giảm 50% đầu việc và doanh thu, thậm chí phải tính đến chuyện cắt giảm nhân sự và tìm kiếm dịch vụ khác để kiếm thêm thu nhập duy trì hoạt động.
Doanh thu thấp, tính chuyện giảm người
Trưởng Văn phòng TPL quận Thủ Đức, TP.HCM Nguyễn Tiến Pháp cho hay từ khi dịch bệnh bùng phát thì công việc lập vi bằng tại văn phòng đã giảm mạnh. Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng ước tính lượng công việc giảm hơn 50%. Tuy nhiên, hiện văn phòng đang cố gắng duy trì để không phải giảm nhân sự.
Đặc biệt, văn phòng luôn nhắc nhở mọi người nâng cao ý thức việc tự bảo vệ mình, bởi nếu có sự cố gì thì cả văn phòng phải cách ly và đóng cửa, ngưng hoạt động. Ngoài việc trang bị nước sát khuẩn, đeo khẩu trang, văn phòng cũng đã áp dụng đo thân nhiệt cho nhân viên và người dân trước khi vào văn phòng làm việc.
Theo Chỉ thị 02 của TAND Tối cao là thực hiện việc giao văn bản theo đường bưu điện thì thời gian tới TPL sẽ ngưng nhận văn bản để tống đạt trực tiếp. Đây cũng là khó khăn tạm thời mà các văn phòng TPL phải đối mặt.
Theo trưởng một văn phòng TPL tại TP.HCM, phạm vi ảnh hưởng của đại dịch là rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Hiện nay, việc tống đạt văn bản vẫn hoạt động bình thường nhưng số lượng việc ước chừng giảm khoảng 1/2. Kể từ ngày đại dịch COVID-19 bùng phát, doanh thu của văn phòng giảm gần 30%. Việc lập vi bằng thì khá hơn vì khối lượng công việc không giảm nhiều.
Văn phòng đã yêu cầu nhân viên phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn khi đến văn phòng và khi đi làm việc. Nếu dịch bệnh diễn biến kéo dài và ngày càng phức tạp thì văn phòng phải thực hiện việc cắt giảm nhân sự. “Đây là việc làm tất yếu, vì không thể duy trì một cơ quan không có thu nhưng phải chi phí quá nhiều” - vị này than thở.
Quang cảnh Văn phòng thừa phát lại Biên Hòa, Đồng Nai chiều 17-3. Ảnh: MINH VƯƠNG
Khó khăn chồng chất
Một trưởng văn phòng TPL tại Hà Nội chia sẻ số lượng đầu việc của văn phòng đã bị giảm hơn 50% và đang hoạt động cầm cự. Trong thời gian ngắn sẽ áp dụng phương án giảm nhân sự vì thu nhập của văn phòng đang không còn khả năng chi trả cho nhiều người nữa.
Theo vị này, một trong những công việc của TPL là tống đạt các văn bản, giấy tờ. Tuy nhiên, trước đây công việc này thường xuyên bị gián đoạn do ngân sách thanh toán của tòa không ổn định. Công việc của TPL theo Nghị định 08/2020 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 24-2) đã bị thu hẹp khi bị cắt giảm 2/4 loại việc, nay gặp đại dịch khiến những khó khăn của TPL càng nhân lên chồng chất.
Giao dịch giảm một nửa Phòng công chứng số 1 hiện nay làm việc bình thường vì theo nguyên tắc, công chứng viên phải trực tiếp có mặt để làm việc. Tuy nhiên, lượng giao dịch giảm một nửa so với trước khi chưa có đại dịch. Phòng có trang bị khẩu trang, dung dịch rửa tay để phục vụ nhân viên và người dân đến giao dịch... Ông NGUYỄN TRÍ HÒA, Trưởng phòng công chứng số 1, TP.HCM Sẽ trang bị máy đo thân nhiệt Lượng khách đến giao dịch tại văn phòng của chúng tôi có giảm nhưng ít. Các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay, sát khuẩn, chúng tôi luôn thực hiện nghiêm ngặt từ nhân viên đến khách hàng. Bởi vì nếu chẳng may phải đóng cửa văn phòng vì dính dịch thì thực sự hoang mang lắm. Tuần tới chúng tôi sẽ trang bị máy đo thân nhiệt. Bà LÊ THỊ XUÂN, Trưởng Văn phòng công chứng Lê Xuân, TP Hà Nội |
“Với dịch bệnh đang bùng phát và diễn biến phức tạp như hiện nay thì chúng tôi không biết văn phòng của mình sẽ cầm cự được đến khi nào” - vị này cho hay.
Ông Hoàng Quốc Huy, Trưởng Văn phòng công chứng TP Cẩm Phả (Quảng Ninh), thông tin lượng khách hàng đến giao dịch tại đây bị giảm khoảng 50%. Hoạt động của công chứng vốn chủ yếu liên quan đến các giao dịch dịch vụ, dịch bệnh khiến các giao dịch bị ảnh hưởng lớn nên công chứng cũng bị ảnh hưởng theo.
Tuy nhiên, đây là khó khăn chung nên văn phòng cũng chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch bệnh bằng các biện pháp cụ thể. Ngoài ra, văn phòng thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND và Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh là lưu thông tin tên, tuổi, số điện thoại những khách hàng đến thực hiện giao dịch và chứng thực tại văn phòng.
Mục đích là để trong tình huống xấu thì văn phòng có sẵn thông tin khách hàng để thông báo hoặc cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền khi tình thế cấp bách.
Chưa có giải pháp khắc phục khó khăn Trưởng Văn phòng TPL Biên Hòa (Đồng Nai) Vũ Khương Minh cho biết hoạt động của văn phòng đang gặp nhiều khó khăn trong đại dịch. Với những văn bản còn tồn đọng của cơ quan tòa án và thi hành án thì nhân viên vẫn phải trực tiếp đi tống đạt để đảm bảo đúng thời hạn và quyền lợi của đương sự. Các nhân viên khác thì thực hiện tư vấn trực tiếp qua các kênh thông tin như điện thoại, thư điện tử… Thiệt hại cụ thể thì hiện chúng tôi chưa thống kê được chính xác nhưng chi phí hằng ngày khá lớn. Hằng tháng chúng tôi phải chi trả hơn 100 triệu đồng cho các chi phí như điện, nước, tiền lương, thuê mặt bằng. Để sống chung với đại dịch, hằng ngày văn phòng vẫn phải trích quỹ dự trữ để bù vào khoản doanh thu bị giảm sút. Về giải pháp tháo gỡ khó khăn thì hiện chúng tôi chưa tìm ra bởi công việc của TPL cơ bản là tiếp nhận những văn bản, tài liệu từ những cơ quan như tòa án, thi hành án, mang tính phụ thuộc. Thời gian tới, văn phòng sẽ tiếp tục duy trì hoạt động và cố gắng tìm ra những giải pháp mới thiết thực để bù cho hoạt động chính đang bị thiệt hại. MINH VƯƠNG |