Dấu hiệu truy tố oan vì xe máy cũ không phải là hàng cấm

VKSND huyện Tân Biên, Tây Ninh đã ban hành cáo trạng, truy tố Nguyễn Thanh Giàu, Nguyễn Lê Anh Quốc, Trịnh Văn Kiệt, Nguyễn Ngọc Gia Bảo, Huỳnh Công Đình Nghi ra trước tòa cùng cấp về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm.

Vận chuyển ba xe máy cũ, bị truy tố

Theo hồ sơ, Giàu (31 tuổi, ngụ huyện Tân Biên) mua ba mô tô ở Campuchia gồm: một xe Yamaha JZ125, một xe Honda Spacy 125, một xe Honda khác chưa rõ loại.

Khi xe được mang đến đám rừng thuộc khu vực xã Tân Lập (huyện Tân Biên, Tây Ninh) thì Giàu nhờ Quốc, Kiệt vận chuyển về nhà Giàu.

Ba xe tang vật của vụ án. Ảnh: MINH CHUNG

Đến ngày 28-9-2020, Giàu liên hệ với nhà xe Gia Bảo, do Bảo (33 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) làm chủ, để vận chuyển về TP.HCM với giá 2,5 triệu đồng.

Quá trình thỏa thuận, Giàu không nói, Bảo cũng không hỏi về nguồn gốc và giấy tờ xe do Bảo muốn giữ mối làm ăn với Giàu.

Sau đó, Bảo điều tài xế là Nghi lái ô tô từ TP.HCM lên nhà Giàu để nhận xe. Khi nhận xe, Nghi cũng không kiểm tra giấy tờ do Bảo nói để chủ xe giải quyết.

Khi thấy ba mô tô này, Nghi cũng nghi là nhập lậu nhưng vẫn vận chuyển về TP.HCM. Tối 28-9-2020, Công an huyện Tân Biên kiểm tra xe, Nghi không xuất trình được hóa đơn, chứng từ nên bị tạm giữ tất cả phương tiện.

Theo kết luận điều tra (KLĐT), trước đó, Giàu đã nhiều lần thuê Bảo vận chuyển xe mô tô từ Tây Ninh về TP.HCM và từ TP.HCM đi tỉnh.

Những lần chở thuê này, Bảo điều các tài xế khác. Họ cũng không hỏi nguồn gốc xe do Bảo nói là giấy tờ liên quan để Bảo giải quyết. KLĐT cũng thể hiện các xe trên không có trong hồ sơ xuất nhập khẩu, không được đăng ký lưu hành và theo Điều 5 Nghị định 69/2018 (quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương) thì mô tô đã qua sử dụng thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu.

Theo định giá, mô tô Yamaha JZ125 có giá 130 triệu đồng, mô tô Honda Spacy 125 có giá 20 triệu đồng, xe còn lại có giá 6 triệu đồng (tổng ba xe trị giá 156 triệu đồng).

CQĐT và VKSND huyện Tân Biên khởi tố Giàu, Kiệt, Quốc tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm theo khoản 2 Điều 191 BHLS; Bảo, Nghi theo khoản 1 Điều 191 BLHS.

Xe máy đã qua sử dụng không phải hàng cấm

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Phan Anh Tuấn, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng: Trong vụ án này, điểm then chốt để xác định hành vi có cấu thành tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm hay không đó là xe máy đã qua sử dụng có phải hàng cấm theo quy định tại Điều 191 BLHS hay không.

TS Phan Anh Tuấn phân tích: Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm được thiết kế dưới dạng quy định viện dẫn. Cụ thể, để hiểu khái niệm “hàng cấm” cần phải dựa vào văn bản pháp luật quy định về hàng cấm vào một thời điểm nhất định.

Hàng cấm theo quy định tại Điều 191 BLHS hiện hành được quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021).

Tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội và bị tạm giữ tang vật (tháng 9-2020), hàng cấm theo quy định tại Điều 191 BLHS được quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư năm 2014. Danh mục hàng cấm theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2020 là giống nhau.

“Do đó, không cần áp dụng quy định của luật có lợi cho người phạm tội theo quy định tại khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015 mà vẫn áp dụng luật tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm là Luật Đầu tư năm 2014.

Theo Điều 6 Luật Đầu tư năm 2014 thì mô tô đã qua sử dụng không thuộc danh mục hàng cấm” - TS Tuấn nêu quan điểm.

Vậy tại sao phải áp dụng quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư năm 2014 mà không căn cứ vào Điều 5 Nghị định 69/2018 để xác định hàng cấm (như KLĐT)?

Về vấn đề này, TS Tuấn phân tích như sau:

Thứ nhất, theo Hiến pháp năm 2013, quyền tự do kinh doanh của công dân chỉ bị giới hạn bởi luật, nên nghị định không phải là cơ sở pháp lý để xác định hàng cấm kinh doanh và việc xác định hàng cấm theo Điều 191 BLHS không áp dụng quy định của các nghị định.

Thứ hai, Luật Đầu tư năm 2014 có giá trị pháp lý cao hơn Nghị định 69/2018 trong các căn cứ pháp lý để xác định hàng cấm - nếu cả hai văn bản này đều quy định khái niệm hàng cấm.

Từ các lập luận và phân tích như trên, mô tô đã qua sử dụng trong vụ án này không phải là hàng cấm theo Điều 191 BLHS.

 

Hàng cấm khác với hàng “cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu”

Phụ lục I - Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu (kèm theo Nghị định 69/2018) quy định: “Danh mục này áp dụng cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa mậu dịch, phi mậu dịch; xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tại khu vực biên giới; hàng hóa viện trợ chính phủ, phi chính phủ”.

Khái niệm “hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu” không đồng nhất với khái niệm “hàng cấm” theo Điều 191 BLHS, bởi lẽ:

Về mặt lý luận: Tại từng thời điểm, Chính phủ quy định cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu hàng hóa nào đó để bảo vệ lợi ích quốc gia, như cấm nhập hàng hóa, lương thực, thực phẩm từ một nước nào đó vì lý do dịch bệnh… nhưng những hàng hóa đó không phải hàng cấm theo Điều 191 BLHS.

Việc cấm này - có nghĩa không cho “xuất khẩu, nhập khẩu” một loại hàng hóa nào đó - là xuất phát từ chính sách ngoại thương chứ không phải hàng hóa đó là hàng cấm. Chẳng hạn, Nghị định 69/2018 quy định cấm nhập khẩu một số hàng hóa đã qua sử dụng như: Hàng dệt may, giày dép, quần áo; hàng điện tử; hàng điện lạnh… thì đều là hàng hóa bình thường.

Khái niệm cấm ở đây là cấm “nhập khẩu, xuất khẩu” hàng hóa chứ không phải hàng hóa đó là “hàng cấm”. 

Phó chánh án một tòa án tại TP.HCM

Tội nào mới đúng?

Giàu mua ba mô tô cũ trị giá 156 triệu đồng từ Campuchia và mang qua biên giới nên có dấu hiệu của tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 189 BLHS).

Quốc và Kiệt có hành vi giúp Giàu chuyển xe từ biên giới về nhà Giàu nên cũng có dấu hiệu của tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới. Riêng Bảo và Nghi chở xe máy cũ trong lãnh thổ Việt Nam và không có dấu hiệu “qua biên giới” nên không phạm tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.

Vì xe máy cũ không phải hàng cấm nên hai người này cũng không phạm tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm.

TS PHAN ANH TUẤN, Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm