Ngày 24-7, TAND Tối cao phối hợp cùng Unicef tổ chức toạ đàm tham vấn dự thảo nghị quyết của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS 2015 về các tội xâm hại tình dục.
Theo dự thảo 3 được công bố tại toạ đàm, “dâm ô” được quy định tại khoản 1 Điều 146 BLHS là một trong các hành vi sau đây nhằm kích thích tình dục nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.
Các thành viên Hội đồng thẩm phán TANDTC đều có mặt tại tọa đàm.
a) Dùng tay, chân, miệng, lưỡi hoặc các bộ phận khác trên cơ thể của người phạm tội để tiếp xúc (trực tiếp hoặc qua lớp quần áo) vào bộ phận sinh dục, hậu môn, háng, đùi, mông, ngực, miệng của người dưới 16 tuổi;
b) Dùng các đồ vật để tiếp xúc (trực tiếp hoặc qua lớp quần áo) vào bộ phận sinh dục, hậu môn, háng, đùi, mông, ngực của người dưới 16 tuổi;
c) Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng tay, chân, miệng, lưỡi hoặc các bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (trực tiếp hoặc qua lớp quần áo) vào bộ phận sinh dục, hậu môn, háng, đùi, mông, ngực, miệng của người phạm tội hoặc của người khác.
Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Nguyễn Chí Công cho hay, trong quá trình xây dựng Nghị quyết, có ý kiến cho rằng cần phải hướng dẫn theo hướng tất cả các hành vi tiếp xúc trực tiếp về thể chất có tính chất thâm nhập là “giao cấu”.
Hành vi tiếp xúc trực tiếp vào các bộ phận nhạy cảm, riêng tư nhưng không có tính chất thâm nhập là hành vi quan hệ tình dục khác; hành vi tình dục không tiếp xúc về thể chất giữa người phạm tội và bị hại như khoả thân, ép buộc khoả thân… là “dâm ô”.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, nhóm soạn thảo cho rằng theo từ điển Oxford hoặc pháp luật hình sự một số bang của Mỹ thì giao cấu cũng được hiểu theo cách truyền thống như dự thảo nghị quyết.
Mặt khác, BLHS Việt Nam và Nghị quyết cũng phân định cụ thể hành vi nào là giao cấu, hành vi nào là quan hệ tình dục khác, hành vi nào là dâm ô và hành vi nào là khiêu dâm.
“Nếu giải thích các hành vi “giao cấu”, “hành vi quan hệ tình dục khác” và “dâm ô” theo ý kiến nêu trên sẽ dẫn đến sự trùng lặp về hành vi khách quan giữa các tội phạm”- ông Công nói.
Cũng theo ông Công, quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết, có ý kiến cho rằng không cần quy định “vì mục đích tình dục khác” để xác định hành vi “quan hệ tình dục khác” hay “nhằm kích thích tình dục” để xác định hành vi “dâm ô”. Tuy nhiên, nhóm soạn thảo cho rằng việc quy định mục đích là cần thiết để phân biệt các hành vi phạm tội này với các hành vi làm nhục, tra tấn hoặc hành hạ người khác được quy định tại một số điều luật tương ứng của BLHS.
“Cũng có ý kiến cho rằng việc quy định mục đích đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh người phạm tội đã thoả mãn (đã đạt được mục đích) thì mới xử lý được. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng với việc quy định mục đích như trên, cơ quan tiến hành tố tụng chỉ cần chứng minh khi thực hiện hành vi, người phạm tội nhằm hướng đến mục đích đó là xử lý được, chứ không đòi hỏi phải chứng minh người phạm tội đã thoả mãn (hay đã đạt được mục đích)”- ông Công nói thêm.
Dâm ô trong dự thảo lần 2 quy định thế nào? So với dự thảo 2 được công bố trước đây, dự thảo lần này đã có sự điều chỉnh cơ bản khi quy định về hành vi "dâm ô". Dự thảo 2 quy định “dâm ô” là một trong các hành vi nhằm thoả mãn nhu cầu tình dục của người phạm tội, nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, gây ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của người bị hại là người dưới 16 tuổi. Các hành vi này gồm: (a) Sờ, bóp, hôn, vuốt ve vào những bộ phận, vùng nhạy cảm (như bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông…) trên cơ thể người dưới 16 tuổi; (b) Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi sờ, bóp, hôn, vuốt ve vào những bộ phận, vùng nhạy cảm trên cơ thể người phạm tội hoặc người khác; (c) Cố ý đụng chạm bộ phận của cơ thể mình hoặc sử dụng các đồ vật tác động vào các bộ phận, vùng nhạy cảm trên cơ thể người dưới 16 tuổi; Hành vi sờ, bóp, hôn, đụng chạm vào các bộ phận, vùng nhạy cảm có thể thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp (như qua lớp quần áo…). Dự thảo 2 cũng quy định, trường hợp người thực hiện hành vi tương tự các hành vi tại các điểm a, b, c nhưng là hoạt động chăm sóc thường ngày của cha mẹ đối với con, giáo viên mầm non đối với trẻ mầm non thì không bị coi là dâm ô. |