VKSND Tối cao vừa ban hành thông báo rút kinh nghiệm vụ tranh chấp đòi nhà, đất cho ở nhờ giữa nguyên đơn là ông D., bị đơn là bà Q.
Ông D. cho rằng được cha mình viết giấy chuyển quyền sở hữu, sử dụng toàn bộ nhà đất 1.547 m2 tại huyện HĐ, TP HN.
Trước đó, cha của ông đã giao nhà đất trên cho gia đình anh ruột là vợ chồng ông K., bà Q. ở nhờ.
Sau đó, ông K. được cấp mới 1 lô đất nhưng không trả lại đất nên ông D. khởi kiện yêu cầu trả đất.
Bị đơn cho rằng nhà đất trên là của bố mẹ tạo dựng. Gia đình bà đã sử dụng đất từ năm 1952, năm 1980 thì xây dựng nhà và công trình trên đất nên không chấp nhận yêu cầu của ông D.
Hình minh họa
Vụ án này được xét xử sơ thẩm năm 2007 và phúc thẩm năm 2008. Sau đó, tại quyết định giám đốc thẩm năm 2012, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao quyết định hủy bản án phúc thẩm.
Năm 2014, xử sơ thẩm lần hai, TAND TP HN chấp nhận yêu cầu khởi kiện, buộc những người thừa kế của bà Q. trả nhà đất, còn ông D. phải thanh toán cho những người thừa kế của bà Q. hơn 330 triệu đồng.
Xử phúc thẩm lần 2, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao sửa một phần bản án về phần thanh toán công sức trông nom, quản lý và hỗ trợ nơi ở cho những người thừa kế của bà Q. số tiền 400 triệu đồng.
Sau đó, những người kế thừa của bà Q. có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.
Ngày 10-6-2020, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hủy hai bản án sơ và phúc thẩm để xét xử lại.
Theo VKSND Tối cao, phần đất tranh chấp có diện tích 1.547 m2, trong đó có 97,7 m2 đất công thuộc Nhà nước quản lý, chứ không thuộc quyền sử dụng của bị đơn. Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm buộc những người thừa kế của bị đơn trả cho nguyên đơn phần diện tích đất công này là không đúng.
Cạnh đó, bị đơn có công sức trong việc giữ gìn, quản lý, cải tạo và sử dụng đất. Trong trường hợp đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của cha của ông D. cũng nên để các thừa kế của vợ chồng ông K., bà Q. sử dụng một phần đất xây dựng nhà nhằm ổn định nơi ở vì đất này có thể tách thửa được. Việc tòa án hai cấp buộc trả lại toàn bộ diện tích đất trên cho ông D. là không hợp tình, hợp lý.
Mặt khác, việc xác định phần diện tích đất tranh chấp của ông D chưa rõ ràng. Quyết định giám đốc thẩm năm 2012 đã yêu cầu làm rõ một thửa đất trong phần đất tranh chấp có phải của cha ông D. đã chuyển giao lại cho ông hay không. Tuy nhiên, hai cấp tòa không xác minh làm rõ. Đồng thời, tòa cũng chưa làm rõ ngôi nhà năm gian có phải xây dựng trên thửa đất này hay không nhưng lại buộc bị đơn trả toàn bộ nhà, đất cho nguyên đơn là chưa đủ căn cứ vững chắc.
Theo VKSND Tối cao, đây là những vi phạm nghiêm trọng. Đặc biệt, tòa án hai cấp đã không thực hiện đúng yêu cầu của quyết định giám đốc thẩm trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ dẫn đến vụ án phải hủy nhiều lần, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự.