Theo Nghị định 01/2017/NĐ-CP, thời gian thực hiện thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai như sau:
Thời gian thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai là không quá 45 ngày.
Giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp huyện là không quá 45 ngày.
Giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp tỉnh là không quá 60 ngày.
Giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của bộ trưởng Bộ TN&MT là không quá 90 ngày.
Cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai là không quá 30 ngày.
Thời gian quy định nêu trên được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
Ngoài ra, quy định về thời hiệu giải quyết tranh chấp lần hai và hiệu lực thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai cũng được quy định cụ thể như sau:
Sau khi nhận được quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần đầu của người có thẩm quyền mà các bên hoặc một trong các bên tranh chấp không đồng ý với quyết định giải quyết thì phải gửi đơn đề nghị giải quyết tranh chấp lần hai đến người có thẩm quyền.
Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần đầu hoặc không quá 45 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn mà các bên hoặc một trong các bên tranh chấp không có đơn gửi người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai lần hai thì quyết định giải quyết tranh chấp lần đầu có hiệu lực thi hành.
Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần hai; đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn không quá 45 ngày thì quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần hai có hiệu lực thi hành.
Nguyên tắc cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai:
+ Việc cưỡng chế phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật.
+ Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính.
+ Không thực hiện cưỡng chế trong thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau; các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; trong thời gian 15 ngày trước và sau tết nguyên đán; các ngày truyền thống đối với các đối tượng chính sách nếu họ là người bị cưỡng chế và các trường hợp đặc biệt khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phong tục tập quán tại địa phương.
Điều kiện thực hiện cưỡng chế quyết định giải quyết tranh chấp đất đai:
+ Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực thi hành mà các bên hoặc một trong các bên tranh chấp không chấp hành quyết định và đã được UBND cấp xã, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã nơi có đất tranh chấp đã vận động, thuyết phục mà không chấp hành.
+ Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất tranh chấp.
+ Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực thi hành.
+ Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế.
Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì UBND cấp xã lập biên bản.