TAND quận 2, TP.HCM vừa xử sơ thẩm vụ ông LVT (ngụ quận 9, TP.HCM) kiện đòi con gái ruột là bà A. phải trả lại tài sản là hũ tro cốt và bài vị của cha mẹ ông (tức ông bà nội của bị đơn - PV) và phải xin lỗi công khai ông. Đây là vụ kiện khá hiếm vì tài sản tranh chấp mang giá trị tinh thần, tâm linh và là các vật dùng để thờ cúng.
Lấy xong mang đi thủy táng
Theo đơn khởi kiện, ông T. yêu cầu con gái phải trả lại tài sản là di vật gồm hai bài vị bằng đá và bảng tên trên hũ cốt của cha mẹ ông. Đồng thời, ông T. cũng yêu cầu tòa án buộc bị đơn phải chấm dứt hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm và đe dọa giết vợ kế của ông.
Ông T. cho rằng ông là người thừa kế duy nhất của cha mẹ mình. Sau khi cả cha và mẹ mất thì ông đã dùng phương pháp hỏa táng và đem hũ tro cốt gửi thờ tại một ngôi chùa ở TP Biên Hòa, Đồng Nai.
Tháng 9-2018, con gái ông là bà A. đã đến ngôi chùa này tìm cách lấy hũ tro cốt và bài vị của cha mẹ ông. Sau đó, trụ trì chùa phát hiện, báo lại vụ việc cho ông. Biết chuyện, ông T. đã yêu cầu người con gái phải trả lại các di vật này nhưng bà A. không trả.
Sau nhiều lần đòi lại không được, ông T. đã làm đơn tố cáo đến cơ quan công an, yêu cầu xử lý người con gái. Tuy nhiên, công an đã hướng dẫn ông khởi kiện tại tòa với lý do đây là tranh chấp dân sự liên quan đến việc thờ cúng trong gia đình.
Sau một thời gian tìm kiếm, ông T. đã tìm được hũ tro cốt của mẹ, còn hai bài vị bằng đá và một bảng tên trên hũ cốt của cha ông thì ông vẫn chưa tìm được.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông T. giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Ngược lại, bà A. không đồng ý và cho rằng hũ tro cốt của bà nội thì ông T. đã lấy lại, còn hai bài vị và bảng tên trên hũ tro cốt của ông nội thì bà đã đem đi thủy táng tại sông Đồng Nai.
Ông T., nguyên đơn trong vụ án. Ảnh: M.VƯƠNG
HĐXX xác định đây là tranh chấp khác về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản. Theo phong tục của người Việt Nam thì trách nhiệm và quyền thờ cúng cha mẹ được giao cho người con trai cả trong gia đình. Ông T. là con trai duy nhất của cha mẹ mình nên ông là người có quyền quản lý đối với bài vị và hài cốt cho mục đích thờ cúng.
Do đó, việc bà A. tự ý đến chùa lấy hũ tro cốt và bài vị mà không được sự đồng ý của ông T. là trái với đạo lý, trái với phong tục tập quán của người Việt Nam. Về giá trị, nguyên đơn cũng khẳng định bài vị đã được ghi tên người chết nên chỉ là vật thờ cúng, mang giá trị tinh thần, tâm linh, không có giá trị trong giao dịch dân sự.
Theo HĐXX, pháp luật hiện hành không có quy định về việc sử dụng, chiếm hữu và định đoạt đối với bài vị là vật thờ cúng. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng căn cứ vào khoản 2 Điều 113 BLDS thì bài vị được coi là vật đặc định, không có vật thay thế.
Đồng thời, ông T. cũng là người bỏ tiền ra mua bài vị cho cha mẹ mình và trực tiếp gửi bài vị lên chùa. Do đó, ông T. được xác định là người có quyền sở hữu đối với những di vật này. Bị đơn là bà A. phải có trách nhiệm hoàn trả đúng vật hoặc bồi thường trong trường hợp nguyên đơn có yêu cầu.
Tuy nhiên, theo lời khai của bà A. thì bài vị được thủy táng ở sông Đồng Nai và ông T. không có chứng cứ gì chứng minh được những di vật này đang tồn tại và đang được bị đơn chiếm giữ. Vì thế, trong trường hợp này, vật tranh chấp được coi là không còn tồn tại. Vì vậy, HĐXX cho rằng yêu cầu trả lại tài sản là bài vị của ông T. là không phù hợp.
Về bồi thường, trong quá trình giải quyết vụ án, ông T. không yêu cầu bà A. bồi thường nên không có căn cứ để tòa xem xét.
Đối với yêu cầu xin lỗi công khai, ông T. cho rằng bị đơn đã có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, xáo trộn cuộc sống gia đình mình. Ông T. đưa ra các bằng chứng là bị bà A. xúc phạm ông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook.
Ông T. cũng đưa ra các bằng chứng chứng minh thiệt hại thực tế do những tin nhắn này gây ra. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng không có đủ cơ sở, chứng cứ để buộc bà A. phải công khai xin lỗi vì đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Vật đặc định không thể thay thế Vật cùng loại là những vật có cùng hình dáng, tính chất, tính năng sử dụng và xác định được bằng những đơn vị đo lường. Vật cùng loại có cùng chất lượng có thể thay thế cho nhau. Vật đặc định là vật phân biệt được với các vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí. Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đặc định thì phải giao đúng vật đó. (Trích Điều 113 BLDS 2015) |