Nâng khống giá robot: BV Bạch Mai 'qua mặt' người bệnh ra sao?

Như PLO đưa tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an mới đây hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố tám bị can trong vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai.

Những người này gồm Nguyễn Quốc Anh (cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai), Nguyễn Ngọc Hiền (cựu phó giám đốc bệnh viện), Trịnh Thị Thuận (cựu trưởng phòng Tài chính bệnh viện), Lý Thị Ngọc Thủy (cựu phó phòng Tài chính bệnh viện), Phạm Đức Tuấn (chủ tịch kiêm giám đốc Công ty Công nghệ Y tế BMS), Ngô Thị Thu Huyền (phó giám đốc Công ty BMS), Trần Lê Hoàng (thẩm định viên Công ty Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội - VFS) và Phạm Minh Dung (cựu tổng giám đốc Công ty VFS).

Cả tám bị can cùng bị đề nghị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Khoản 3 Điều 356 BLHS.

Bị can Nguyễn Quốc Anh - cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

Theo kết quả điều tra, Bệnh viện Bạch Mai là pháp nhân riêng, tự chủ hoàn toàn theo quy định của Bộ Y tế. Khi được bổ nhiệm làm giám đốc bệnh viện, bị can Nguyễn Quốc Anh muốn phát triển khoa ngoại nên thành lập một số khoa như Phẫu thuật thần kinh, Chấn thương chỉnh hình và Cột sống.

Nắm được điều này, Phạm Đức Tuấn đến gặp Nguyễn Quốc Anh, nói công ty của mình là đơn vị phân phối robot phẫu thuật và đề nghị cung cấp cho bệnh viện. Dù không thông qua đảng ủy, ban giám đốc và công đoàn bệnh viện, Nguyễn Quốc Anh đã đồng ý liên doanh với công ty của Tuấn để lắp đặt robot, giá cả do Tuấn đưa ra.

Tháng 1-2017, đề án xã hội hóa được ký kết, Bệnh viện Bạch Mai trang bị hai loại robot phẫu thuật, trong đó robot Rosa có giá 39 tỉ đồng. Tính đến tháng 5-2020, Bệnh viện Bạch Mai đã sử dụng robot Rosa thực hiện phẫu thuật sọ não cho 639 ca bệnh, thu hơn 22,9 tỉ đồng. Bệnh viện thanh toán chi phí liên quan cho Công ty BMS liên quan 551 ca bệnh.

Theo kết luận giám định, tiền phẫu thuật bằng robot Rosa là hơn 6,6 triệu đồng/ca nhưng Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS thu hơn 23 triệu đồng/ca, hưởng chênh lệch hơn 16,5 triệu đồng/ca. Đến nay, bệnh viện mới trả số tiền chênh lệch cho 86 người bệnh. Phạm Đức Tuấn đã nộp 10 tỉ đồng để trả tiền chênh lệch cho 551 ca phẫu thuật thu sai.

Căn cứ vào thông tin, số liệu do bệnh viện cung cấp, Cơ quan CSĐT đã điều tra xác minh, làm việc, ghi lời khai đối với những người bệnh, người nhà người bệnh tại 15 tỉnh, thành, đồng thời ủy thác điều tra đối với Cơ quan CSĐT Công an 17 tỉnh, thành.

Kết quả cho thấy những người bệnh, người nhà người bệnh khi đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai đều được giải thích về các phương pháp điều trị phẫu thuật thần kinh - sọ não. Trong đó, hình thức phẫu thuật thông thường, không có sự hỗ trợ bằng robot thì chi phí rẻ hơn, được bảo hiểm y tế chi trả một phần.

Ngược lại, hình thức phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot là điều trị dịch vụ không được bảo hiểm chi trả, chi phí cao hơn khoảng trên dưới 100 triệu đồng/ca tùy thuộc vào số ngày giường, vật tư tiêu hao..., nhưng người bệnh sẽ giảm biến chứng, ít đau đớn, phục hồi nhanh hơn.

Quá trình điều trị, người bệnh, gia đình người bệnh không được biết thiết bị robot do đối tác liên doanh, liên kết lắp đặt tại Bệnh viện Bạch Mai, không được giải thích cụ thể từng loại chi phí trong quá trình phẫu thuật, không được biết chi phí khấu hao thiết bị robot. Tuy nhiên, với mong muốn nhanh lành bệnh, họ đã lựa chọn phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot, ký giấy cam đoan sử dụng dịch vụ.

Làm việc với CQĐT, người bệnh, gia đình người bệnh được biết vi phạm trong quá trình liên doanh, liên kết, nâng giá thiết bị robot cũng như việc Bệnh viện Bạch Mai thu chi phí khấu hao chênh lệch cao hơn thực tế 16,5 triệu đồng/ca. Họ đều đề nghị được nhận lại số tiền này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm