Nhiều người trả lại tài sản nhặt được
Mới đây nhất chiều 16-5, anh Nguyễn Ngọc Hiền - một nhân viên vệ sinh đang làm việc tại chung cư Đất Phương Nam đã được tuyên dương vì hành động trả lại tài sản số tiền 7.400 USD cho một người khách nước ngoài đang thuê nhà tại chung cư này.
Trước đó, ngày 6-4 chị Lê Thị Hậu – một người bán vé số dạo tại Đồng Nai cũng đã đến công an trình báo để trả lại tài sản cho một người đàn ông bị mất ví bên trong có số tiền hơn 5 triệu đồng, một miếng vàng, ngoại tệ và một số giấy tờ tùy thân. Hành động này của chị Hậu cũng được tuyên dương.
Ngày 16-5, đại diện Ban giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Realtylink Việt Nam (Chủ đầu tư chung cư Đất Phương Nam) tuyên dương anh Nguyễn Ngọc Hiền vì hành động đẹp. Ảnh: PLO
Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp người nhặt được tài sản không trả lại. Chẳng hạn ngày 15-5, chị TM đã đến trình báo tại công an phường Cát Lái, quận 2, TP.HCM về việc mình bị mất một chiếc điện thoại thông minh có giá trị trong trụ sở toà án cấp cao tại TP.HCM. Chị M. cho biết trong lúc tham dự phiên toà đã sơ ý để quên điện thoại, chị đã quay lại để tìm nhưng không thấy.
Lúc sau, chị nhớ ra và dùng điện thoại khác gọi vào số điện thoại của mình nhưng lúc này tín hiệu điện thoại đã không liên lạc được. Hiện tại, công an đã tiếp nhận trình báo và sẽ tiến hành xác minh…
Có thể xử lý hình sự nếu giá trị tài sản lớn
Theo Luật sư Nguyễn Phước Long, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương, điều 230 BLDS 2015 quy định việc phát hiện tài sản của người khác bị bỏ quên hoặc đánh rơi thì người phát hiện phải thông báo để trả lại tài sản. Nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi thì phải thông báo cho chính quyền địa phương hoặc công an nơi gần nhất.
Nếu người nhặt được không trả lại tài sản cho chủ sở hữu hợp pháp thì tùy theo giá trị tài sản người nhặt được có thể bị xử phạt hành chính hoặc sẽ bị xử lý hình sự. Đối với tài sản có giá trị được giám định có giá trị dưới 10 triệu đồng nếu chiếm giữ bất hợp pháp sẽ bị xử phạt hành chính từ 2 đến 5 triệu đồng theo quy định tại khoản 2, điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.
Về xử lý hình sự, theo Luật sư Phước Long căn cứ pháp lý là điều 176 (tội chiếm giữ trái phép tài sản) BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Nếu tài sản bị chiếm giữ bất hợp pháp, giám định tài sản có trị giá trên 10 triệu đồng và dưới 200 triệu đồng, người chiếm giữ có thể bị xử lý hình sự nếu có cơ sở biết rõ họ cố ý không trả lại tài sản nhặt được và mức hình phạt cao nhất lên đến hai năm tù. Trường hợp người nhặt được tài sản chưa xác minh hoặc chưa có điều kiện giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền thì sẽ không vi phạm.
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Hữu Lộc, Đoàn luật sư tỉnh Tây Ninh, cho rằng, người nhặt được của rơi phải có nghĩa vụ hoàn trả tài sản đã nhặt được. Trường hợp người nào cố tình không trả lại thì có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, tùy vào tính chất cũng như số tiền... thì người nhặt được tài sản hoặc người đang quản lý tài sản bị đánh rơi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản.
Điều 176 BLHS 2015 tội chiếm giữ trái phép tài sản 1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. 2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. |