Ngày 25-3, Quốc hội (QH) đã nghe và thảo luận tại tổ về hai báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của viện trưởng VKSND Tối cao và chánh án TAND Tối cao.
Báo cáo trước QH, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định hệ thống TAND đã hoàn thành nhiệm vụ, xét xử đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu quan trọng QH giao với chất lượng cao.
Chất lượng xét xử tiến bộ
Ông Bình dẫn chứng trong nhiệm kỳ, các tòa án đã thụ lý hơn 2,4 triệu vụ việc, giải quyết được 97,6%. “Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ. Tỉ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hằng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu nghị quyết của QH” - ông Bình nói.
Đặc biệt, việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, trong nhiệm kỳ không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội. Việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, vụ án hành chính đúng pháp luật.
Cũng theo ông Bình, các tòa án đã đưa ra xét xử nghiêm gần 7.500 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với hơn 14.500 bị cáo và áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Tòa án xét xử nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí (trái) và Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: QH-VGP
Đáng chú ý, ngành tòa án đã công bố được hơn 600.000 bản án, quyết định trên Internet. TAND Tối cao đã công bố được 39 án lệ, nghiên cứu xây dựng ba cuốn Án lệ và Bình luận và giáo trình Án lệ và thực tiễn xét xử… “Nhiệm kỳ qua đã có hơn 1.000 vụ án viện dẫn án lệ trong xét xử. Bước đầu đã hình thành kỹ năng và tập quán áp dụng án lệ trong xét xử như xu thế chung của thế giới” - ông Bình nhấn mạnh.
Báo cáo thể hiện ngành kiểm sát đã thực hiện nhiều biện pháp trong công tác nghiệp vụ, bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm. “Viện trưởng VKSND Tối cao xác định chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của các đơn vị nghiệp vụ” - ông Trí nói và cho biết các trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm đã được giảm mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Trí thừa nhận trong nhiệm kỳ, ngành vẫn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót. Đáng chú ý, do một số nguyên nhân chủ quan, khách quan nên vẫn còn vài chỉ tiêu chưa đáp ứng yêu cầu QH. Cụ thể là còn có trường hợp bắt, tạm giữ, tạm giam sau phải trả tự do không xử lý hình sự; còn để xảy ra một số trường hợp oan và trả hồ sơ để điều tra bổ sung do vi phạm tố tụng…
“Tôi không tự tin nói rằng không có oan, sai”
Thảo luận tại tổ, Phó Trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng (đại biểu QH Bến Tre) cho hay ông đánh giá rất cao hoạt động của VKS. “Gần 10.000 kháng nghị, kiến nghị của VKS đã được các cơ quan xem xét. Khi kháng nghị, kiến nghị của họ được chấp nhận thì đương nhiên chỗ kia có sai sót” - ông Nhưỡng nói và cho rằng nhận định không có oan, sai là chưa phù hợp.
Ông Nhưỡng tiếp: “Có thể 10 năm, 20 năm sau mới phát hiện ra oan, sai nên phải nhận định là chưa phát hiện thì hay hơn. Tôi không tự tin nói rằng không có oan, sai. Đương nhiên thành tích của anh này không phải là thành tích của anh kia”.
Ông Nhưỡng cũng băn khoăn về công tác phối hợp trong tư pháp giữa ba cơ quan điều tra, truy tố, xét xử. Ông đánh giá việc phối hợp là rất quan trọng, tuy nhiên nếu không cẩn thận sẽ thành thỏa hiệp để buộc tội hoặc thỏa hiệp để bao che.
“Khi tôi làm luật sư, đến lúc hỏi dồn quá thì kiểm sát viên còn nói câu “cái này chúng tôi đã họp ba ngành rồi, đã có văn bản rồi”. Cuống quá không tranh luận được nữa, người ta bảo “thống nhất được ba ngành rồi”. Việc thống nhất giữa ba ngành được coi như một chân lý” - ông Nhưỡng nói. Ông cũng đề nghị QH cần giám sát kỹ việc phối hợp trong hoạt động tư pháp.
Ông Nhưỡng phát biểu thêm: “Chính phủ là một chính phủ sáng tạo, hành động. QH phải là một QH nhân văn - đỉnh cao của quyền lực nhân dân. Còn cơ quan tư pháp, đặc biệt là tòa án, phải là biểu tượng - hiện thân của công lý. Nếu ba nhánh này thực hiện được như vậy, chúng ta sẽ có một nhà nước mạnh, nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào quá trình thực hiện pháp luật”.
41 trường hợp truy tố oan; 765 thiếu căn cứ, sai tội danh
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tư pháp ghi nhận số bị can bị VKS truy tố được tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội giảm nhiều. Tuy nhiên chất lượng thực hành quyền công tố trong một số vụ án chưa đáp ứng yêu cầu. Điều này dẫn tới việc còn để xảy ra 41 trường hợp bị truy tố oan dẫn đến tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội. Cạnh đó có 765 trường hợp VKS truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt dẫn đến tòa án phải xét xử về khoản khác hoặc tội danh khác tội danh VKS đã truy tố; 178 trường hợp VKS phải rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa.
“Chất lượng tranh tụng của một số kiểm sát viên tại phiên tòa còn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa chủ động tranh luận, đối đáp, đi đến cùng các ý kiến của người bào chữa nên chưa thuyết phục” - cơ quan thẩm tra nhận định.