Chiều 1-9, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, đã chủ trì buổi họp báo thông tin về việc ĐBQH Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch Việt Nam và Cộng hòa Cyprus.
Thống nhất ba hướng xử lý
Mở đầu cuộc họp báo, thông tin về vụ việc, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP, Giám đốc Trung tâm Báo chí TP, cho biết ngay sau khi có thông tin ĐBQH Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch, các cơ quan chức năng của TP.HCM đã làm việc với ĐB này. Sau đó, ngày 25-8, ông Phạm Phú Quốc đã có đơn xin thôi làm nhiệm vụ ĐBQH khóa XIV và có đơn xin thôi chức vụ tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).
Về hướng xử lý, ông Hà Phước Thắng, Chánh văn phòng UBND TP.HCM, cũng cho biết ngày 27-8 ông Quốc đã có đơn giải trình để báo cáo sự việc với các cơ quan chức năng. Qua đơn giải trình của ông Quốc, các cơ quan đã rà soát và báo cáo hướng xử lý. Từ đề xuất của Đoàn ĐBQH TP, UBND TP và Ban tổ chức Thành ủy TP.HCM đã thống nhất hướng xử lý.
Thứ nhất, trong tuần này, Đoàn ĐHQH TP sẽ họp và kiến nghị lên QH xem xét, bãi nhiệm tư cách ĐBQH của ĐB Phạm Phú Quốc. Thứ hai, về mặt Đảng, TP.HCM sẽ làm việc và xem xét, quyết định trong tháng 9-2020. Thứ ba, với nhiệm vụ tổng giám đốc Công ty IPC của ông Phạm Phú Quốc, UBND TP đã giao cho Sở Nội vụ tham mưu về việc có quyết định đình chỉ chức vụ này của ông Quốc.
Sau đó, TP sẽ giao cho các đơn vị chức năng làm rõ trách nhiệm của ông Quốc trước khi xem xét cho thôi việc, những công việc này sẽ hoàn thành trong tháng 9-2020. “Qua sự việc vào tháng 12-2018, ĐB Phạm Phú Quốc có quốc tịch Cyprus là thể hiện sự không gương mẫu, không chấp hành đúng quy định của Đảng và của tổ chức” - ông Thắng nói.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê trả lời các câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo. Ảnh: N.NGA
Xem xét thận trọng, chặt chẽ
Ngay sau đó, PV các cơ quan báo chí đã đặt 14 câu hỏi liên quan đến vụ việc, trong đó có việc ông Phạm Phú Quốc lấy đâu ra số tiền 2,5 triệu USD để mua quốc tịch Cyprus mà một tờ báo nước ngoài nêu.
Trả lời, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng vụ việc ĐB Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch là điều đáng tiếc với Đoàn ĐBQH TP.HCM. Trong đơn, ông Quốc nói rằng quốc tịch Cyprus là do gia đình bảo lãnh, còn thông tin mua quốc tịch 2,5 triệu USD là không chính xác.
Ông Khuê nói: “Chúng ta nên tôn trọng lời thú thật của ĐB Phạm Phú Quốc là do gia đình bảo lãnh chứ không nên suy diễn, có bước đi quá đà tìm hiểu số tiền này từ đâu ra”. Ông Khuê cho rằng thời điểm này chúng ta nên tôn trọng ĐB Phạm Phú Quốc vì ông đã có báo cáo chính thức trước công luận, tổ chức Đảng tại sao có quốc tịch thứ hai.
Theo ông Khuê, không phải vì chuyện có hai quốc tịch mà phủ định sạch trơn những nỗ lực, cố gắng của ông Phạm Phú Quốc trong vai trò ĐBQH và vị trí công tác, mà vẫn phải có đánh giá cao những gì mà ĐB Quốc đã thể hiện. “Chúng ta cũng phải tôn trọng việc ĐB Phạm Phú Quốc đã tự nhìn nhận việc mình có hai quốc tịch là không đúng quy định” - ông Khuê nói.
Theo ông, không nên thấy một việc nhỏ mà đã cho rằng ĐB Quốc là một người không còn gì nữa. Đảng rất phân minh, luôn nhìn nhận việc đã làm được và làm chưa được. Do đó, Đoàn ĐBQH TP cũng trên tinh thần đó đánh giá ĐB Phạm Phú Quốc đã rất chịu khó tư duy lĩnh vực ĐB có lợi thế, luôn tuân thủ quy định của đoàn, nghiên cứu, đóng góp dự thảo luật trong lĩnh vực của mình công tác.
Trả lời câu hỏi về việc TP.HCM có chậm trễ trong việc giải quyết vấn đề của ông Phạm Phú Quốc hay không, ông Khuê cho rằng không phải TP thoái thác mà do ban đầu thông tin trên báo mạng nên phải hết sức thận trọng, phải báo cáo cơ quan cấp trên, vừa phối kiểm một cách đầy đủ để có bước tiếp theo cho quá trình xem xét.
Khi thông tin rộ trên báo chí, thường trực Đoàn ĐBQH TP đã mời ông Phạm Phú Quốc lên làm việc. Lúc này ông Quốc vẫn nhất quán thông tin là có quốc tịch Cyprus do gia đình bảo lãnh. Lý do không báo cáo với tổ chức là có lý do cá nhân.
“Nhưng nói gì thì nói, với trách nhiệm của một ĐBQH, một đảng viên, một cán bộ lãnh đạo, chiếu theo quy định và lương tâm của một ĐBQH, ĐB Phạm Phú Quốc cần phải báo cáo đầy đủ sự việc. Đó là trách nhiệm của một ĐBQH và trách nhiệm với cử tri” - ông Khuê nói và cho biết trong đơn ông Quốc có bày tỏ sự ăn năn trước sự việc.
Một PV đặt câu hỏi tại thời điểm được bổ nhiệm làm tổng giám đốc IPC vào tháng 4-2019, ông Quốc đang bị xem xét xử lý kỷ luật đảng vì một số sai phạm ở Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC). Lúc này ông Quốc có vai trò là tổng giám đốc, thông tin này liệu có sai sót gì hay không.
Về nội dung này, ông Nguyễn Duy Tân, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết việc bổ nhiệm ông Quốc làm tổng giám đốc IPC vào thời điểm tháng 4-2019 đã được thực hiện đúng quy trình năm bước theo quy định. Tại thời điểm bổ nhiệm, ông Quốc đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật khiển trách là một năm.
Liên quan đến việc năm 2018 ông Quốc từng có đơn xin thôi làm ĐBQH, nhiều PV đặt câu hỏi việc này có chính xác hay không. Ông Khuê cho rằng năm 2018, lúc ông còn làm phó trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM thì có nhận được đơn của ông Quốc. “Đó không phải là đơn xin thôi làm ĐBQH, mà đó là đơn muốn cung cấp thông tin cho lãnh đạo đoàn vì đang có vụ việc ông bị xem xét kỷ luật về mặt Đảng” - ông Khuê nói.
Lộ chuyện hai quốc tịch Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, trước đó hãng tin Al Jazeera thông tin ĐB Phạm Phú Quốc có tên trong danh sách những người nước ngoài có hộ chiếu Cộng hòa Cyprus. Ông Phạm Phú Quốc 52 tuổi, quê Quảng Trị, từng giữ các chức vụ: phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM, tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC), chủ tịch HĐTV Tổng công ty Bến Thành TNHH MTV. Ngày 4-12-2019, ông Quốc được UBND TP.HCM bổ nhiệm làm tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), thay ông Tề Trí Dũng (đã bị bắt trước đó về hành vi tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí). Ông Phạm Phú Quốc hiện là ĐBQH đơn vị số 4 (các quận 5, 10 và 11) thuộc Đoàn ĐBQH TP.HCM. |