Sa thải nữ giám đốc mang thai, công ty bị kiện

Ngày 11-6, TAND quận 7 (TP.HCM) đã xử sơ thẩm vụ tranh chấp lao động giữa bà ĐTTT (nguyên đơn) với một công ty có trụ sở ở quận này.

Trước đó, tòa từng mở phiên xử lần đầu hồi tháng 5 nhưng đại diện công ty xin hoãn vì có việc bận. Ngày 4-6, tòa mở lại phiên xử, đại diện công ty vẫn vắng mặt, đồng thời luật sư của công ty có đơn xin hoãn xử để có thời gian nghiên cứu hồ sơ. Đây đã là lần triệu tập hợp lệ thứ hai nên HĐXX không chấp nhận, quyết định tiếp tục xét xử bình thường. Tuy nhiên, lần này do bà T. thay đổi yêu cầu khởi kiện nên HĐXX đã quyết định tạm ngừng phiên tòa.

Sa thải nữ giám đốc đang mang thai

Theo đơn khởi kiện của bà T., bà vào làm giám đốc một chi nhánh của công ty theo hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng (từ tháng 4-2017 tới tháng 4-2018) với mức lương 40 triệu đồng/tháng.

Tháng 10-2017, lúc bà đang mang thai tháng thứ năm thì công ty thông báo tạm đình chỉ công việc của bà một tháng kể từ ngày 2-10-2017 để tiến hành xử lý kỷ luật lao động. Đến ngày 16-10-2017, lãnh đạo công ty ra quyết định sa thải bà vì các lý do: Đi trễ về sớm không xin phép, nghỉ không xin phép, đi làm không đúng lịch làm việc, ngủ trong giờ làm việc và trong phạm vi phòng khám, nói xấu cấp trên gây ảnh hưởng chia rẽ đồng nghiệp, vi phạm đạo đức và pháp luật bằng nhắn tin đe dọa đồng nghiệp.

Cho rằng công ty sa thải mình trái pháp luật, bà T. khởi kiện yêu cầu TAND quận 7 hủy bỏ quyết định sa thải, buộc công ty nhận bà vào làm việc lại, buộc công ty đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bồi thường tổn thất tinh thần. Bà T. cũng yêu cầu công ty bồi thường hai tháng tiền lương do sa thải bà trái pháp luật, bồi thường bốn tháng tiền lương cho những ngày bà không được làm việc, tổng cộng khoảng 300 triệu đồng.

Chiều qua, trước khi tòa mở phiên xử, bà T. nộp đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện, xin rút các yêu cầu buộc công ty nhận lại làm việc, buộc công ty đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, bồi thường tổn thất tinh thần, đồng thời giữ nguyên các yêu cầu còn lại. Tổng số tiền mà bà T. yêu cầu công ty bồi thường là 240 triệu đồng.

Bà T., người khởi kiện yêu cầu công ty cũ bồi thường. Ảnh: YC

Công ty không nhận sai

Tại phiên tòa, đại diện công ty không chấp nhận các yêu cầu của bà T., nói do bà T. nghỉ liên tục thường xuyên từ năm ngày/tháng, nghỉ không xin phép theo quy định của công ty, ngủ trong giờ làm việc, có hành vi nhắn tin đe dọa đồng nghiệp, gây mất đoàn kết trong công ty, làm việc không đạt chất lượng thử việc theo yêu cầu công ty. Vì vậy công ty đã họp xử lý kỷ luật vào ngày 12-10-2017 và ra quyết định sa thải bà T. Đại diện công ty thừa nhận chưa gửi bản chính quyết định sa thải cho bà T. (chỉ gửi mail) là do sai sót của nhân viên...

Tại phiên tòa còn có sự tham gia của ba người làm chứng bên phía công ty. Trước khi hỏi, chủ tọa nhắc nhở một nữ nhân chứng về cách ăn mặc (mặc áo sát nách) và yêu cầu người này mặc áo khoác vào.

Trả lời HĐXX, trưởng phòng marketing kiêm phó chủ tịch công đoàn công ty nói bà có tham gia cuộc họp xử lý kỷ luật lao động bà T. vào ngày 12-10-2017 với tư cách đại diện công đoàn nhưng chỉ tham gia cho có chứ việc sa thải là do phòng nhân sự công ty quyết định. Một giám đốc chuyên môn thì khai bà cũng chỉ tham gia và ký biên bản chứ không quyết định. Nhân chứng còn lại là phó giám đốc chi nhánh nói bà nhận được tin nhắn đe dọa của bà T., vì lo lắng nên phải xin nghỉ phép để chờ công ty làm rõ. Bà này khai xin nghỉ phép cuối tháng 9 nhưng khi HĐXX công bố lời khai thì có sự mâu thuẫn vì sự việc xảy ra đầu tháng 9 trong khi đơn xin nghỉ phép của bà lập ngày 13-9-2017.

Về phần mình, bà T. khẳng định đại diện công ty nói không đúng, bà không nghỉ năm ngày/tháng. Về tin nhắn đe dọa phó giám đốc chi nhánh, bà T. cho biết đã làm rõ tại biên bản đối chất, đã xác minh số máy này không phải của bà, bà không biết và không liên quan gì về tin nhắn này.

HĐXX nhiều lần giải thích để phía công ty xem xét về việc hủy quyết định sa thải vì những chứng cứ công ty cung cấp là một phía từ công ty, việc sa thải người lao động đang mang thai bị pháp luật cấm. Tuy nhiên, phía công ty vẫn giữ nguyên quyết định sa thải này và bảo lưu quan điểm.

Luật sư của công ty thì cho rằng công ty cho bà T. nghỉ không phải do bà T. có thai mà do bà T. vi phạm kỷ luật lao động là nghỉ năm ngày/

 tháng, đó là lý do quan trọng nhất dẫn đến việc sa thải. Vì vậy, luật sư cho rằng quyết định sa thải là đúng nhưng lại đề nghị HĐXX xem xét đảm bảo quyền lợi của nguyên đơn.

Đại diện VKS: Luật cấm kỷ luật phụ nữ mang thai

Phát biểu tại tòa, đại diện VKS cho rằng công ty hai lần gửi mail mời bà T. đến họp xử lý kỷ luật vào ngày 4-10-2017 và 11-10-2017. Sau đó, ngày 12-10-2017 công ty mở cuộc họp xem xét kỷ luật bà T. Tuy nhiên, theo Điều 30 Nghị định 05/2015 của Chính phủ (hướng dẫn thi hành BLLĐ 2012), người sử dụng lao động phải thông báo ít nhất năm ngày làm việc trước khi tiến hành cuộc họp và phải thông báo ba lần bằng văn bản. Công ty chỉ thông báo hai lần bằng mail và chỉ thông báo trước một ngày trước khi họp là không đúng quy định trên.

Mặt khác, theo đại diện VKS, Điều 123 BLLĐ quy định rất rõ là không được xử lý kỷ luật lao động đối với phụ nữ đang mang thai nên việc công ty tiến hành họp kỷ luật sa thải bà T. là trái luật.

Từ đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ các yêu cầu của bà T. Riêng đối với những yêu cầu mà bà T. đã rút trước khi tòa xét xử, đại diện VKS đề nghị HĐXX đình chỉ giải quyết.

HĐXX nhận thấy cần nghị án kéo dài nên sẽ tuyên án vào sáng 15-6. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Nguyên đơn khóc khi tranh luận

Vì lý do sức khỏe, bà T. được HĐXX cho ngồi trả lời. Ở phần tranh luận, nhắc về những khó khăn khi đang mang thai mà bị công ty sa thải, bà đã khóc và cho biết rất áp lực khi bị công ty đuổi việc thời điểm đó, nhiều lần bà muốn tự tử vì quá stress. “Đó không chỉ đơn thuần là cho nghỉ việc mà đó là tội ác đối với phụ nữ mang thai, mong công ty xem xét và rút kinh nghiệm” - bà T. nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm