Sa thải trái luật, bồi thường 90 triệu đồng

Ông Đại trình bày: Ông vào làm cho Công ty TNHH Tenox Kyusyu Việt Nam (chuyên về thiết kế thi công nền móng các công trình dân dụng) từ tháng 3-2008. Hai bên đã ký hợp đồng không xác định thời hạn. Ngày 10-6-2013, công ty ra quyết định xử lý kỷ luật lao động ông Đại với hình thức sa thải vì “không chấp hành yêu cầu phân công công việc của công ty và tự ý ngắt thiết bị thi công gây tổn thất lớn cho công ty”.

Ông Nguyễn Văn Đại: “Cám ơn chủ tọa đã thấu hiểu được tâm tư của người lao động”. 

Quá bất ngờ nên ông đã xin công ty cho cơ hội giải thích nhưng không được. Ngay sau đó, ông Đại khiếu nại lên Liên đoàn Lao động quận Tân Bình. Nơi này tổ chức cho hai bên hòa giải nhưng không thành.

“Phía công ty nhận thấy đã sai nên thông báo yêu cầu tôi quay lại làm việc vào ngày 10-7-2013. Lúc này, tôi đang dở dang công việc  ở Trà Vinh nên gọi điện thoại xin phó giám đốc sẽ bắt đầu làm việc vào ngày 25-7. Ngày 26-7, tôi quay lại làm việc bình thường. Sau đó, thêm một lần nữa tôi bất ngờ khi  ngày 17-9, công ty đã ra quyết định sa thải tôi vì “nghỉ quá 5 ngày trong một tháng” – ông Đại trình bày.

Ông Đại yêu cầu tòa tuyên quyết định sa thải ông là trái pháp luật và buộc công ty bồi thường hơn 160 triệu đồng (những ngày không được làm việc và các khoản khác theo quy định).

Phía công ty thì cho rằng phó giám đốc công ty chỉ đồng ý cho ông Đại nghỉ phép từ ngày 11 đến ngày 18 (tính vào ngày phép năm). Còn từ ngày 19 đến ngày 25 là ông Đại tự ý nghỉ nên công ty xử lý kỷ luật sa thải là đúng quy định. Vì vậy, công ty không đồng ý bồi thường.

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa động viên hai bên hòa giải và phân tích: ông Đại vào làm ở công ty từ những ngày mới thành lập, gắn bó với công ty hơn 5 năm. Ông chưa từng bị kỷ luật, chưa bao giờ tự ý nghỉ việc như lần này. Khi nhận được quyết định sa thải, thì ông tìm việc khác làm. Công ty thông báo ông vào làm lại thì ông vội vàng giải quyết việc riêng để quay lại với công ty là thể hiện thiện chí muốn gắn bó lâu dài…

Đại diện công ty đề nghị hỗ trợ ông Đại thêm ba tháng lương (gần 20 triệu đồng) để hòa giải nhưng ông Đại không đồng ý.

Tòa nhận định: căn cứ vào chứng cứ trong hồ sơ thì ông Đại đã nghỉ quá 5 ngày trong một tháng. Tuy nhiên, quyết định kỷ luật của công ty đã ban hành không đúng trình tự thủ tục. Cụ thể là ngày 8-8-2013, giám đốc công ty ký quyết định thành lập hội đồng kỷ luật, chỉ định phó giám đốc làm chủ tịch hội đồng. Ngày 16-9, hội đồng họp và thống nhất hình thức kỷ luật đối với ông Đại là sa thải. Ngày 17-9, công ty ra quyết định chính thức kỷ luật ông Đại nhưng lại do giám đốc công ty ký. Điều này là trái luật vì giám đốc không có tên trong hội đồng kỷ luật và cũng không tham gia họp xét kỷ luật. Từ đó tòa tuyên hủy quyết định sa thải này và buộc công ty phải bồi thường như trên.

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm