Sử dụng tin nhắn để buộc tội là vi phạm nghiêm trọng

Tám bị cáo trong vụ án gồm: Năm bị cáo thuộc Công ty Aquafeed Cửu Long là Nguyễn Hữu Lộc (nguyên chủ tịch HĐQT, bị cấp sơ thẩm tuyên 14 năm tù), Đỗ Thái Hòa (nguyên phó tổng giám đốc, bị cấp sơ thẩm phạt 12 năm tù), Nguyễn Hồng Nam (10 năm tù), Bùi Tuyết Mai (tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp thủy sản, bị tuyên phạt 10 năm tù), Trần Vũ Dũng (thành viên HĐQT Công ty CP Aquafeed Cửu Long, bị tuyên bảy năm tù) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Ba bị cáo nguyên là cán bộ Agribank Trà Vinh gồm Nguyễn Văn Trực (nguyên phó giám đốc phụ trách Agribank Trà Vinh), Nguyễn Quốc Hoàn (nguyên trưởng phòng Tín dụng) và Cao Văn Phong (nguyên phó phòng Tín dụng Agribank Trà Vinh) bị tuyên cùng mức án năm năm tù cùng về tội vi phạm các quy định về cho vay.

Tại tòa, bị cáo Dũng xin giảm nhẹ hình phạt, bảy bị cáo còn lại kêu oan đề nghị tuyên không phạm tội.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Minh Chung

Đầu giờ chiều, VKS phát biểu quan điểm luận tội.

Theo VKS, lời khai của các bị cáo là chưa phù hợp với các tài liệu, chứng cứ mà CQĐT đã thu thập, còn nhiều mâu thuẫn, chưa rõ ràng, chưa được đối chất; nhiều tình tiết chưa rõ cần được các cơ quan chuyên môn thẩm định, giám định.

Đối với bị cáo Lộc được cho là chủ mưu nhưng Lộc đã nghỉ việc từ ngày 1-4-2011 trong khi các hoạt động cho vay lại diễn ra từ tháng 5-2011, không có bút tích thể hiện sự chỉ đạo của Lộc trong vụ án, trong khi quyền quyết định cao nhất thuộc về đại hội đồng cổ đông...

Đại diện VKS cho rằng đối với các bị cáo khác cũng chưa đủ các căn cứ buộc tội. Thế nhưng tòa án cấp sơ thẩm đã vội vã quy kết các bị cáo như tội danh đã định là chưa trung thực, khách quan, công bằng, xử lý đúng người đúng tội, đúng các quy định của pháp luật.

Riêng đối với bị cáo Dũng, Dũng thừa nhận hành vi phạm tội, Dũng chỉ xin giảm nhẹ hình phạt, tuy nhiên bị cáo Dũng không cung cấp thêm được tình tiết giảm nhẹ mới nên việc tuyên y án sơ thẩm bảy năm tù với bị cáo Dũng là phù hợp.

Tuy nhiên, tại phiên tòa, các bị cáo kháng cáo kêu oan nên cấp phúc thẩm xét lại toàn bộ hồ sơ vụ án, chưa đủ căn cứ để buộc tội bị cáo Dũng. "Đây là một điều may mắn cho Dũng và bị cáo phải có ý thức và cám ơn đối với bị cáo khác" - VKS nói.

Vi phạm nghiêm trọng tố tụng

Cạnh đó, theo VKS quá trình điều tra, truy tố, xét xử ở cấp sơ thẩm có nhiều vi phạm về mặt tố tụng.

Cụ thể: CQĐT tiền hành điều tra, khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ dựa vào văn bản của Ngân hàng Agribank đề nghị CQĐT thu hồi nợ. Thực tế Công ty Aquafeed Cửu Long cho rằng chưa đến thời hạn thanh toán, chưa có cơ sở cho rằng Công ty Aquafeed không có khả năng chi trả nợ.

Tòa cấp sơ thẩm căn cứ vào tin nhắn chưa được trưng cầu giám định là không đúng và không được Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) thừa nhận. Việc các cơ quan tố tụng cấp sử dụng tin nhắn để buộc tội như trong bản án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Cấp sơ thẩm sử dụng biên bản không có bản gốc, không có chữ ký của bị cáo Lộc, chưa được giám định để buộc tội là không có căn cứ. Cần làm rõ về báo cáo tài chính, việc không chấp nhận các khoản công nợ trong dân...

Cạnh đó, theo VKS, việc giải tỏa, kê biên, bán tài sản của Công ty Aquafeed Cửu Long khi vụ án chưa được xét xử là vi phạm nghiêm trọng thủ tụng tố tụng. Việc tổ chức bán đấu giá giá khởi điểm là 14 tỉ đồng, giá trúng thầu là 14,6 tỉ đồng, thấp hơn một nửa giá mà Hội đồng định giá là 32 tỉ đồng và thấp hơn nhiều so với giá thị trường là vi phạm Điều 76 BLTTHS năm 2003...

Từ những phân tích trên, VKS đề nghị HĐXX hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Trà Vinh, chuyển hồ sơ lại cho cấp sơ thẩm để điều tra theo thủ tục chung. Hủy bỏ kết quả đấu giá các tài sản của Công ty Aquafeed Cửu Long.

Luật sư đồng tình với VKS

Tranh luận, các LS bào chữa cho bị cáo Lộc đồng tình với nhận định của VKS về những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, việc cấp sơ thẩm quy kết các bị cáo phạm tội là không có cơ sở. Các LS cho rằng đây là hình sự hóa quan hệ dân sự.

LS của Lộc còn cho rằng trong vụ án còn có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án; CQĐT lập biên bản giao nhận tài liệu nhưng không đưa vào hồ sơ vụ án; sử dụng tin nhắn là chứng cứ buộc tội; có dấu hiệu của tội ra bản án trái pháp luật…

LS của Lộc nhấn mạnh đồng tình với luận tội VKS nhưng không đồng tình với đường lối xử lý là hủy án. LS cho rằng cấu thành của tội lừa đảo là phải chứng minh được số tiền chiếm đoạt, ở đây không có thiệt hại, không có người chiếm đoạt, không có hành vi gian dối. Vụ án có dấu hiệu bị hình sự hóa bởi nhiều năm qua, các cơ quan tố tụng không chứng minh được Lộc và các bị cáo khác chiếm đoạt tiền của công ty. LS đề nghị tuyên các bị cáo không phạm tội thay vì hủy án như đề nghị của VKS.

Các LS bào chữa cho các bị cáo có kháng cáo kêu oan cũng đề nghị HĐXX tuyên thân chủ của mình không phạm tội.

Đại diện ngân hàng không đồng ý với ý kiến của VKS về việc hủy kết quả đấu giá tài sản vì cho rằng việc đấu giá này là đúng quy định.

Đối đáp, về ý kiến của các LS tuyên bố các bị cáo kêu oan không phạm tội, VKS cho rằng VKS đã đề nghị hủy để điều tra lại, nếu có cơ sở cấp sơ thẩm sẽ xem xét. Về ý kiến của nguyên đơn dân sự, VKS đã đề nghị hủy toàn bản án nên sẽ hủy phần dân sự và việc bán đấu giá vi phạm pháp luật nên cần hủy.

Nói lời sau cùng, bảy bị cáo kêu oan đều cho rằng mình không phạm tội. Riêng Dũng nói tin tưởng vào phán quyết của tòa.

Sau đó, HĐXX đã tuyên hủy toàn bộ bản án giao về cho cấp sơ thẩm điều tra lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm