TAND Tối cao vừa ban hành Công văn 02/TANDTC-PC ngày 2-8 giải đáp một số vướng mắc trong xét xử, trong đó có nêu một số vấn đề trong giải quyết án hình sự.
Có được hưởng án treo khi đồng phạm phạm tội có tính chất côn đồ?
Nếu vụ án hình sự có đồng phạm bị tòa áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội có tính chất côn đồ thì đồng phạm khác là người phạm tội có vai trò không đáng kể có được cho hưởng án treo không?
TAND Tối cao giải đáp: Theo khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 02/2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn Điều 65 BLHS về án treo thì người phạm tội là người côn đồ thuộc trường hợp không cho hưởng án treo.
Theo TAND Tối cao, người phạm tội có tính chất côn đồ thì không được cho hưởng án treo. Ảnh minh họa: NGÂN NGA
Tuy nhiên, đối với vụ án có đồng phạm, khi xét xử tòa án phải xem xét, đánh giá tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của từng đồng phạm để xác định có thuộc trường hợp phạm tội có tính chất côn đồ hay không.
Một tình huống được đặt ra: Do có mâu thuẫn nên P, L đánh nhau với Y. Y dùng dao lam gây thương tích cho P 14%, L 44%. Vậy Y bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo hai điểm c, d khoản 3 hay chỉ theo điểm c hoặc điểm d khoản 3 Điều 134 BLHS về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác?
TAND Tối cao cho rằng trường hợp này, Y bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 3 Điều 134 BLHS (gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 BLHS). Ngoài ra, Y còn gây thương tích cho P 14% nên khi lượng hình cần xem xét cả hậu quả này.
Xác định người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên
Một câu hỏi khác là trường hợp bị cáo phạm tội lúc chưa đủ 70 tuổi, tại thời điểm xét xử, bị cáo đã trên 70 tuổi thì có được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên” theo điểm o khoản 1 Điều 51 BLHS hay không.
TAND Tối cao giải đáp: Quy định tại điểm o khoản 1 Điều 51 BLHS không phân biệt người phạm tội là người đã đủ 70 tuổi tại thời điểm phạm tội hay trong quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, trường hợp khi phạm tội bị cáo chưa đủ 70 tuổi nhưng khi xét xử họ đã đủ 70 tuổi thì tòa vẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên” đối với họ.
Trong thực tiễn xét xử, các tòa thường gặp tình huống người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác thuê, mượn địa điểm hoặc có hành vi khác để chứa chấp người nghiện ma túy cùng sử dụng trái phép chất ma túy. Vậy hành vi này có bị xử lý về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy theo Điều 256 BLHS hay không?
Về vấn đề này, TAND Tối cao giải đáp: Quy định tại khoản 1 Điều 256 BLHS không loại trừ việc xử lý hình sự đối với người nghiện ma túy có hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy. Cho nên đối với trường hợp người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác thuê, mượn địa điểm để cùng sử dụng ma túy, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 BLHS thì bị xử lý về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy theo Điều 256 BLHS (nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm).
Hướng dẫn về thẩm quyền tổng hợp hình phạt - Các bản án đã có hiệu lực pháp luật của cùng một tòa án thì chánh án tòa án đó ra quyết định tổng hợp hình phạt; - Các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các tòa án khác nhau nhưng cùng cấp (cùng cấp huyện trong cùng một tỉnh hoặc khác tỉnh; cùng cấp khu vực trong cùng một quân khu hoặc khác quân khu; cùng sơ thẩm cấp tỉnh, cùng cấp quân khu, cùng phúc thẩm ở TAND cấp cao) thì chánh án tòa án ra bản án sau cùng (về mặt thời gian) ra quyết định tổng hợp hình phạt. - Các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các tòa án không cùng cấp thì chánh án tòa án cấp cao hơn đã có bản án có hiệu lực pháp luật ra quyết định tổng hợp hình phạt, không phụ thuộc vào việc bản án của tòa án cấp cao hơn có trước hay có sau. - Trường hợp trong số các bản án đã có hiệu lực pháp luật, có bản án của TAND, có bản án của tòa án quân sự thì việc tổng hợp hình phạt được thực hiện tương tự như trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các tòa án khác nhau nhưng cùng cấp và trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các tòa án không cùng cấp như trên. |