Kiến nghị toà án hướng dẫn hai tội danh trong BLHS

VKSND Tối cao vừa có công văn hướng dẫn các địa phương về việc áp dụng, xử lý “tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khú quân dụng, phương tiện kỹ thuận quân sự” (Điều 304 BLHS) và “tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” (Điều 305 BLHS).
Tại công văn hướng dẫn, VKSND Tối cao nêu:
Khoản 1 các Điều 304, 305 BLHS không quy định mức tối thiểu vật phạm pháp và khoản 2,3,4 Điều 304, 305 BLHS không quy định cụ thể vật phạm pháp.
Cụ thể Điều 304 BLHS quy định:
“Vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc có giá trị lớn” (điểm g khoản 2).
“Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc có giá trị rất lớn” (điểm d khoản 3).
“Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn” (điểm d khoản 4).
Hoặc tại Điều 305 BLHS quy định: “các loại phụ kiện nổ có số lượng rất lớn (điểm b khoản 4) nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng có điều luật trên, dẫn đến việc nhận thức, áp dụng pháp luật chưa thống nhất.
Theo VKSND Tối cao, để áp dụng pháp luật thống nhất, VKSND Tối cao có văn bản kiến nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng.
Tuy nhiên, trong khi chờ hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, để kịp thời tháp gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với các trường hợp cụ thể, VKS địa phương cần đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, động cơ, mục đích… những tình tiết khác có liên quan để quyết định xử lý.
Trường hợp có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau về đường lối giải quyết, cần tổ chức họp liên ngành tố tụng hoặc báo cáo thỉnh thị liên ngành tố tụng Trung ương để bảo đảm không làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.

Công văn hướng dẫn của VKSND Tối cao. Ảnh: N.NGA

Một số hướng dẫn cụ thể như sau:
1.Trường hợp tàng trữ quả lựu đạn (mô hình) nhưng lại lầm tưởng đó là quả lựu đạn thật thì có bị truy cứu TNHS về tội tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng không?
Theo VKSND Tối cao cần phải trưng cầu giám định, nếu kết luận không phải là vũ khí quân dụng thì không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội danh trên.
2. Trường hợp đã tàng trữ vũ khí quân dụng một thời gian, sau đó giao nộp theo vận động của chính quyền địa phương thì có bị xử lý hình sự tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng?
Theo VKSND Tối cao: Tuỳ trường hợp cụ thể để quyết định xử lý cho phù hợp. Căn cứ các Điều 63, 67 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, trường hợp giao nộp vũ khí quân dụng theo vận động của chính quyền địa phương thì không bị xử lý hình sự về tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Trừ trường hợp người tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng hoặc hành vi tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng đó liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật khác, cần thiết phải xử lý hình sự.
3. Hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt bom, mìn sót lại sau chiến tranh thì xác định là tội phạm liên quan đến vũ khí quân dụng hay tội phạm liên quan đến vật liệu nổ?
VKSND Tối cao: Trường hợp bom, mìn chưa bị tháo rời các bộ phận (ngòi nổ, thuốc nổ), kết quả giám định kết luận còn nguyên tính năng, tác dụng của vũ khí quân dụng thì xác định là tội phạm liên quan đến vũ khí quân dụng quy định tại Điều 304 BLHS.
Trường hợp, bom, mình đã tháo rời thuốc nổ, ngòi nổ, kết quả giám định kết luận thuốc nổ, ngòi nổ vẫn còn tính năng, tác dụng của vật liệu nổ thì xác định là tội phạm liên quan đến vật liệu nổ quy định tại Điều 305 BLHS.
4. Đối tượng tàng trữ một khẩu súng sau đó mang đi bán bị bắt giữ thì xác định tội danh như thế nào?
VKSND Tối cao: Nếu kết quả giám định kết luận khẩu súng là vũ khí quân dụng thì bị truy cứu TNHS về tội tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm