Ngày 18-12, Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai công tác THADS, THA hành chính năm 2021. Một vấn đề gây nhiều chú ý là cách thức tiêu hủy tang vật là ma túy trong vụ án sao cho phù hợp.
Nhiều vụ lượng ma túy rất lớn
Theo báo cáo, thực tế hiện nay khi công an giao tang vật là ma túy dưới dạng gói niêm phong nhỏ lẻ nên cơ quan THADS chỉ nhận chứ không kiểm tra bên trong. Từ đây dẫn đến tình trạng lo ngại về việc thiếu hụt, mất mát vật chứng đã được niêm phong trong quá trình bảo quản.
Về cách thức tiêu hủy, hiện nay việc tiêu hủy vật chứng là ma túy do chưa có chuyên môn, nghiệp vụ về việc phân loại các loại ma túy như dạng tổng hợp, dạng viên, bột, dạng cây lá… Cách thức tiêu hủy còn theo hình thức thủ công, chưa chuyên nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh cũng như cán bộ trực tiếp tham gia tiêu hủy. Chẳng hạn, tiêu hủy bằng hình thức bỏ ma túy vào nước hòa tan rồi đổ xuống cống, rãnh...
Do chưa có quy trình riêng biệt cho việc tiêu hủy ma túy các loại nên mỗi đơn vị tiêu hủy theo một cách khác nhau. Thời gian vừa qua, tại TP.HCM bắt được rất nhiều vụ án ma túy lớn, khối lượng hàng tấn chứ không nhỏ lẻ, ít như trước đây. Vậy nên theo ngành THADS, việc tiêu hủy ma túy trong thời gian tới là rất khó khăn.
Theo ông Trần Đình Hoàng (Trưởng Phòng nghiệp vụ 2, Cục THADS TP.HCM), cần phải có nguồn kinh phí thực hiện việc tiêu hủy. Ngoài ra, cơ quan chuyên môn cần có hướng dẫn cụ thể quy trình, cách thức tiêu hủy ma túy cụ thể, nhất định để tránh ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Theo ông Hoàng, sắp tới Phòng nghiệp vụ 2 sẽ báo cáo cục trưởng đề nghị Tổng cục THADS hướng dẫn lựa chọn các đơn vị đủ điều kiện thực hiện việc tiêu hủy vật chứng là ma túy số lượng lớn theo đúng quy định pháp luật.
Ông Trần Đình Hoàng, Trưởng Phòng nghiệp vụ 2, Cục THADS TP.HCM, trình bày. Ảnh: QUANG HÒA
Làm gì với tài sản của phạm nhân?
Liên quan đến công tác phối hợp giữa các trại giam với THADS thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định như việc phối hợp xác minh tài sản, giao tài sản cho đương sự đang là phạm nhân.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như việc gửi quyết định, thông báo thông tin hai chiều về người phải THA là phạm nhân bằng văn bản chưa được đầy đủ, kịp thời. Việc trại giam thu tiền của người phải THA là phạm nhân không được thông báo kịp thời cho cơ quan THA biết. Trong khi cơ quan THA vẫn động viên thân nhân của phạm nhân nộp số tiền phải THA, dẫn đến việc thu trùng lắp cho một khoản phải thi hành. Cạnh đó, khi trại giam thu tiền hoặc chuyển tiền của các phạm nhân cho cơ quan THADS không nêu cụ thể số bản án, nộp để thi hành khoản nào (ngân sách hay bồi thường, bồi thường cho ai…) đã gây khó khăn cho việc xử lý.
Theo Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC thì giám thị trại giam, thủ trưởng cơ quan THA hình sự công an cấp huyện có trách nhiệm: Thông báo cho cơ quan THADS nơi tòa án đã xét xử sơ thẩm họ, tên, địa chỉ của phạm nhân là người phải THADS hoặc phạm nhân là người được THADS theo bản án hình sự, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận phạm nhân vào trại giam.
Theo ông Trần Đình Hoàng, cần phải sửa đổi quy định thời hạn này. Cụ thể, phạm nhân (đương sự) đang bị tạm giam thì ngay khi nhận được bản án sơ thẩm của tòa, trại tạm giam, nơi giam giữ phải thông báo ngay cho cơ quan THADS nơi xét xử sơ thẩm biết nơi chấp hành hình phạt tù hoặc nơi bị tạm giam của phạm nhân.
Trường hợp phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù hoặc phạm nhân đang tại ngoại và bị bắt đi thụ hình thì trại giam nơi phạm nhân thụ hình có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan THADS nơi xét xử sơ thẩm biết nơi chấp hành hình phạt tù của phạm nhân.
Cũng tại khoản 4 Điều 4 Thông tư 07 quy định trường hợp phạm nhân là người được THA thì cơ quan THADS trực tiếp chuyển tiền cho người được THA thông qua giám thị trại giam, thủ trưởng cơ quan THA hình sự công an cấp huyện hoặc chuyển vào tài khoản tạm gửi của trại giam, cơ quan THA hình sự. Đối với giấy tờ khác thì cơ quan THADS chuyển giao cho giám thị trại giam, thủ trưởng cơ quan THA hình sự cấp huyện để trả lại cho phạm nhân là người được THA.
Tuy nhiên, quy định trên của thông tư lại không áp dụng với loại tài sản khác tiền. Do đó, ông Hoàng cho rằng cần xem xét bổ sung cơ quan THADS thực hiện luôn việc chuyển trả tài sản vào trại giam để trại giam tiến hành trả cho phạm nhân mà không cần các thủ tục như đơn xin nhận tài sản, ủy quyền nhận tài sản… nhằm rút ngắn thời gian THA.
Đề xuất kê biên toàn bộ tài sản trong án tham nhũng
Theo quy định hiện nay, trong quá trình điều tra chỉ cho phép kê biên tài sản có giá trị tương ứng với giá trị phạm tội và thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Trong khi đó mức độ và giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng được xác định đầy đủ, cụ thể khi bản án có hiệu lực thi hành.
Vì vậy, việc thu hồi tài sản tham nhũng phần lớn không được đầy đủ do giá trị tài sản đã kê biên trong quá trình điều tra thường thấp hơn giá trị tài sản phải thu hồi và những tài sản khác không được kê biên trong quá trình điều tra do đó bị tẩu tán.
Nhằm đảm bảo cho việc THA thu hồi tài sản có hiệu quả, Phòng nghiệp vụ 2, Cục THADS TP.HCM kiến nghị sửa đổi quy định pháp luật về tố tụng, cho phép cơ quan điều tra được áp dụng biện pháp bảo đảm tất cả tài sản của người có hành vi phạm tội đối với các tội phạm tham nhũng, kinh tế.