Hội đồng thẩm phán biểu quyết bác kháng nghị vụ Hồ Duy Hải
Trưa 8-5, chủ tọa phiên giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã lấy biểu quyết về từng vấn đề cụ thể.
Theo đó, 17/17 thành viên Hội đồng Thẩm phán đã biểu quyết không chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao.
Hội đồng thẩm phán thống nhất quan điểm rằng Hồ Duy Hải không bị ép cung, mớm cung, lời khai tổng cung phù hợp với chứng cứ khác như lời khai của các nhân chứng, biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi nên xác định Hải phạm tội giết người, cướp tài sản, là đúng.
Đại diện VKSND Tối cao tiếp tục giữ nguyên quan điểm đã nêu trong kháng nghị đề nghị hủy án điều tra lại.
Chủ tọa phiên giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã lấy biểu quyết về từng vấn đề cụ thể.
1. Vụ án đã có những sai sót về tố tụng như đã nêu. Những sai sót đó có làm thay đổi bản chất vụ án hay không?
Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không thay đổi bản chất vụ án”.
2. Bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm kết án Hồ Duy Hải có đúng người, đúng tội, đúng mức án hay không?
Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Đúng người, đúng tội, đúng mức án”.
3. Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17-5-2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực, Quyết định kháng nghị số 15/QĐ-VKSNDTC-V7 của VKSND Tối cao có đúng pháp luật hay không?
Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không đúng pháp luật”.
4. Chấp nhận kháng nghị, hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung hay không chấp nhận kháng nghị?
Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không chấp nhận kháng nghị”.
Theo thông báo của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, 15 giờ 30 chiều Hội đồng Thẩm phán sẽ công bố quyết định giám đốc thẩm vụ án.
PLO sẽ thông tin chi tiết phần công bố quyết định này.
Sáng cùng ngày tại tòa đại diện VKSND Tối cao đã đưa ra đánh giá cuối cùng về vụ án. Theo đó, VKS nêu ra ba căn cứ cho rằng nên hủy hai bản án sơ, phúc thẩm để điều tra lại.
Thứ nhất, đây là vụ án giết người, cướp tài sản nghiêm trọng mà dư luận, các cơ quan tư pháp, Quốc hội,... rất quan tâm; tuy nhiên hiện còn nhiều quan điểm khác nhau.
Thứ hai, vụ án có hai nạn nhân bị giết, bị cáo bị tuyên phạt tử hình; trong khi quá trình điều tra tố tụng còn nhiều thiếu sót, sai lầm nên phải thận trọng, không làm oan sai, nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm.
Thứ ba, việc điều tra, tố tụng giải quyết vụ án có nhiều sai lầm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến việc làm rõ vụ án, do đó phải điều tra lại, làm thêm một số việc.
Trên cơ sở đó, VKSND Tối cao đề nghị sáu việc phải làm rõ sau khi hủy án, để đảm bảo vụ án được giải quyết một cách khách quan, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm:
- Thực nghiệm lại điều tra hiện trường;
- Xác định dấu vân tay là của ai và các đối tượng tình nghi;
- Trưng cầu giám định thời điểm nạn nhân chết;
- Làm rõ cơ chế gây thương tích;
- Xác định rõ hơn động cơ, mục đích gây án;
- Bổ sung vào hồ sơ vụ án những tài liệu, chứng cứ đang có trong hồ sơ nghiệp vụ của cơ quan điều tra.
Như PLO đã đưa tin, sáng 6-5, TAND Tối cao mở phiên giám đốc thẩm xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về hai tội giết người và cướp tài sản, xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi (Long An).
Phát biểu khai mạc, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, chủ tọa phiên tòa, cho rằng đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng.
Trải qua hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, HĐXX đều tuyên án Hồ Duy Hải về tội giết người và cướp tài sản. Mới đây, VKSND Tối cao lại có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vụ án.
Nhiệm vụ của phiên giám đốc thẩm là Hội đồng Thẩm phán sẽ kiểm tra, thẩm định đánh giá tính hợp pháp có căn cứ của các tài liệu đã có trong hồ sơ, chủ yếu tập trung vào những tài liệu, chứng cứ đã nêu trong kháng nghị của viện trưởng VKSND Tối cao.
Ngoài ra, hội đồng cũng xem xét và làm rõ những chứng cứ và tài liệu mới có thể được các cơ quan tố tụng, VKS, luật sư trình bày với Hội đồng Thẩm phán.
Yêu cầu đặt ra là cần xem xét cẩn trọng, khách quan, toàn diện, đúng thủ tục, không cho phép làm oan người vô tội, cũng như bỏ lọt người phạm tội.
Vụ án kéo dài hơn 10 năm
Sáng 14-1-2008, công an phát hiện hai nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân là nhân viên Bưu cục Cầu Voi (Long An) bị giết tại nơi làm việc. Hồ Duy Hải sau đó bị bắt và bị hai cấp tòa sơ thẩm cùng phúc thẩm tuyên án tử hình về hai tội giết người và cướp tài sản.
Được sự hỗ trợ của luật sư Trần Hồng Phong, mẹ của tử tù Hồ Duy Hải đã liên tục kêu oan cho con. Trước khi thi hành án 20 giờ đồng hồ, Chủ tịch nước đã chỉ đạo tạm hoãn thi hành án tử hình và yêu cầu nhiều cơ quan vào cuộc xác minh.
Tháng 11-2019, VKSND Tối cao có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm (thay thế quyết định không kháng nghị của viện trưởng VKSND Tối cao năm 2011), đề nghị TAND Tối cao hủy hai bản án để điều tra lại và chỉ ra nhiều vi phạm của hai bản án.
(PLO)- Trong phần tiếp theo của phiên giám đốc thẩm chiều 7-5, các thành viên Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã cọ xát với phía công tố, điều tra về khả năng điều tra lại vụ án.