Quá trình tranh tụng tại phiên giám đốc từ hôm qua đến chiều nay đã phân tích nhiều sai sót tố tụng của cơ quan điều tra và hai cấp xét xử, mà VKSND Tối cao đã chỉ ra.
Cụ thể, quá trình điều tra đã không trưng cầu giám định vết máu, không thu giữ được dao, thớt, ghế là những vật chứng quan trọng được coi là hung khí của vụ án. Hai người bị sát hại cùng lúc mà không thu được dấu vân tay nào của Hồ Duy Hải - người được cho là thủ phạm. Ngay cả khoảng thời gian mà Hải xuất hiện ở Bưu điện Cầu Voi - hiện trường vụ án, khoảng thời gian chết của nạn nhân… cũng chưa được xác định chắc chắn.
Nhắc lại vấn đề này, chiều nay kiểm sát viên VKSND Tối cao phân tích hậu quả của việc không giám định được mẫu máu thu được tại hiện trường: "Chúng ta lưu ý rằng máu này không chỉ của nạn nhân, mà có thể còn từ thương tích của hung thủ hoặc người tình nghi. Vì không giám định được kịp thời nên không kết luận được việc đó".
Vì vậy, VKSND Tối cao cho rằng những sai sót nghiêm trọng trên cần được khắc phục, để đảm bảo việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật.
Một thành viên Hội đồng giám đốc hỏi: “VKS cho rằng không thu giữ vật chứng, không rõ mẫu máu, nhóm máu... là những vi phạm nghiêm trọng. Vậy giả sử Hội đồng chấp nhận hủy bản án để điều tra lại thì những nội dung này có khắc phục được không?”.
Đại diện VKSND Tối cao đáp: "Trước hết chúng ta phải thống nhất với nhau rằng đây là những vi phạm nghiêm trọng. Còn hủy bản án, điều tra lại được hay không là việc của cơ quan điều tra. Bởi vì thời gian từ năm 2008 đến nay rồi, vật chứng, dấu vết đó có còn hay không, có làm được không, đó là việc của cơ quan điều tra".
Vị thành viên của Hội đồng giám đốc đối đáp: "Theo hồ sơ, vật chứng đã bị tiêu hủy, mẫu máu không còn nữa thì cho dù điều tra lại, chúng ta biết rõ là không thể khắc phục được".
Một đại diện khác của VKSND Tối cao nêu quan điểm: "Về khắc phục, chúng tôi khẳng định là có những cái đến bây giờ có thể khắc phục được, có những cái không khắc phục được. Tuy nhiên, đặt trong tổng thể của vụ án truy xét mà chúng ta lấy trục chính từ những lời khai nhận tội của Hồ Duy Hải và chứng minh tính xác thực của nó bằng những tài liệu, nhân chứng khác, chúng tôi thấy phải làm thêm một số việc. Mà việc đấy vẫn có thể làm được dựa trên những vi phạm đã nêu".
Vị đại diện công tố này lấy ví dụ: “Chúng ta cần xác định thêm về mặt khoa học khoảng thời gian chết của nạn nhân, để hỗ trợ thêm những chứng cứ bị mất”. Đồng thời nhấn mạnh: "Kháng nghị không khẳng định Hồ Duy Hải bị oan. Kháng nghị đề nghị hủy bản án, điều tra lại để làm rõ những vấn đề về thủ tục điều tra, tố tụng”.
Đại diện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An được triệu tập tới phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. Ảnh: plo.vn
Diễn biến phiên xử có tính chất phá án cho thấy ngay cả cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An đã nhiều lần thừa nhận có sai sót. Tuy nhiên, một dấu hỏi lớn là dường như bị án tử hình Hồ Duy Hải không có ý thức kêu oan mạnh mẽ, như là người nhà cũng như luật sư của gia đình.
Điều đó thể hiện khá rõ trong biên bản làm việc của đại diện VKSND Tối cao với Hải, bắt đầu từ sáng 8 giờ ngày 27-9-2011, tại trại tạm giam Công an tỉnh Long An, kết thúc vào hồi 10 giờ cùng ngày, Hồ Duy Hải đã ký tên xác nhận. Biên bản này được Hội đồng giám đốc công bố chiều nay, có đoạn:
Hỏi: Giết ai trước?
Đáp (Hồ Duy Hải): Giết H. trước, sau sợ V. về biết nên giết luôn V. để bịt đầu mối.
Hỏi: Giết H. và V. thế nào?
Đáp: Với H. thì đập bằng thớt, sau đó có dùng dao cắt cổ. Đối với V., thì dùng ghế đập đánh, sau đó dùng dao cắt cổ. Tấm thớt lấy ở bếp, sau khi cắt cổ có rửa tay...
Hỏi: Quá trình điều tra, cơ quan công an có đánh đập, ép cung gì không?
Đáp: Hoàn toàn không bị đánh đập, ép cung mà tự khai nhận hành vi phạm tội do con gây lại. Con chỉ xin xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Việc không kêu oan, thậm chí cũng nhận tội như vậy, theo PLO nắm được, cũng diễn ra trong cuộc làm việc của đoàn giám sát Ủy ban Tư pháp Quốc hội với tử tù này.
Tuy nhiên, rắc rối không thể phủ nhận là đã có hàng loạt vi phạm tố tụng nghiêm trọng diễn ra trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử ở cả hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm. Vấn đề còn lại là đánh giá xem các vi phạm ấy có thay đổi bản chất vụ án, đến mức phải hủy cả hai bản án để điều tra lại, như kháng nghị của VKSND Tối cao hay không?
Theo thông báo của Chủ tọa Hội đồng giám đốc - Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, sáng mai (8-5), các thành viên hội đồng sẽ nêu quan điểm về vụ án, để chiều sẽ ra phán quyết.