Chiều tối 9-8, TAND tỉnh Kon Tum đã kết thúc phiên xử phúc thẩm lần thứ ba vụ cưa gỗ khô mà dư luận đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, sau khi nghị án HĐXX đã quyết định sẽ tuyên án vào chiều thứ Hai tuần tới (ngày 12-8). Việc dời ngày tuyên án và những diễn biến thực tế cho thấy đây là vụ án gay cấn đến phút cuối bởi quan điểm đánh giá khác nhau về việc có tội hay không có tội của các cấp tòa đối với năm bị cáo trong vụ án.
Phiên tòa nóng ngay từ đầu
Ngay từ sáng sớm nhiều người dân huyện Đăk Hà là người thân và bà con lối xóm của các bị cáo đã tranh thủ đến trụ sở TAND tỉnh Kon Tum để theo dõi phiên xử. Thế nhưng không như những phiên tòa trước, lần này họ không được vào phòng xử án. Lực lượng công an được bố trí khá đông từ ngoài đường vào phòng xử án và kiểm tra an ninh gắt gao.
Ban đầu lực lượng an ninh không cho người dân vào khu vực xét xử mà phải ngồi ở sân tòa nghe qua loa phát thanh. Sau đó họ được vào nhưng chỉ đứng ở ngoài hành lang nhìn vào phòng xử. PV báo chí cũng chỉ được tòa bố trí ngồi riêng trong một phòng khác để tác nghiệp qua màn hình tivi.
Có năm luật sư (LS) bào chữa miễn phí cho các bị cáo. Trong phần thủ tục phiên tòa, LS Nguyễn Thành Công (Đoàn LS TP.HCM) nói: “Đề nghị chủ tọa giải thích là phiên xử kín hay công khai mà sao không cho người dân tham gia?”. LS Nguyễn Thị Kim Vinh (Đoàn LS TP.HCM) bổ sung: “Vụ án đang được dư luận rất quan tâm đến sự xét xử công bằng của tòa án. Nếu chúng ta càng hạn chế sự công khai, càng làm cho người dân đặt dấu hỏi. Do đó tôi đề nghị HĐXX cho người dân tham dự”.
Lúc này thẩm phán chủ tọa Đỗ Thị Kim Thư (là phó chánh án TAND tỉnh) trả lời: “Vụ án được xét xử công khai. Đây là phiên tòa mà tòa án tổ chức xử rút kinh nghiệm, trong khi chỗ ngồi có hạn cho nên tòa chỉ bố trí chỗ ngồi cho người được tòa án triệu tập và cho những người được triệu tập tham gia phiên tòa rút kinh nghiệm. Phiên tòa này không có gì xử kín. Chúng tôi mong muốn nhân dân giữ trật tự”.
Năm bị cáo tại tòa, Ảnh: N.NGA
Các vụ khác đều xử hành chính
Trong phần thẩm vấn tại tòa, cả năm bị cáo vẫn một mực kêu oan, cho rằng mình không phạm tội trộm cắp tài sản. Bị cáo Phan Tiến Dũng trình bày và đặt câu hỏi: “Đã là bảo tồn nguồn gen thì cây khô và cây sống cây nào thiệt hại nhiều hơn? Từ sau khi xảy ra vụ án này, tại sao tất cả vụ tương tự chỉ xử lý hành chính nhưng sao vụ của tôi lại xử tội trộm?”. Bị cáo Nguyễn Văn Thụ thì nói: “Hành vi của chúng tôi chỉ đáng xử phạt hành chính mà đưa chúng tôi vào vòng lao lý thế này thì có đáng hay không?”.
Luận tội, đại diện VKSND tỉnh Kon Tum cho rằng rừng đặc dụng Đắk Uy Nhà nước có bỏ vốn ra để trồng. Mục đích các bị cáo vào rừng cưa cây gỗ này là để chiếm đoạt. Hành vi của các bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản theo Điều 138 BLHS 1999 nên việc cấp sơ thẩm kết tội này là không oan. Từ đó VKS đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo kêu oan, phạt bị cáo Phan Tiến Dũng và Lê Quốc Khánh 12-14 tháng tù. Ba bị cáo còn lại là Nguyễn Ngọc Bình, Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Văn Thụ, VKS đề nghị tòa cho hưởng án treo.
Cả năm LS bào chữa cho bị cáo đều cho rằng không có căn cứ pháp lý nào xử lý các bị cáo về tội trộm cắp tài sản. Bởi theo Thông tư liên tịch số 19/2007 (giữa các Bộ NN&PTNT, Tư pháp, Công an, VKSND Tối cao và TAND Tối cao) hướng dẫn rõ không thể xử ở tội trộm cắp tài sản bởi đây là rừng đặc dụng, không phải rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh.
Rừng đặc dụng Đắk Uy là rừng tự nhiên, các bị cáo cưa cây gỗ trắc đã chết, không phải là tài sản do con người bỏ sức lao động tạo ra, cho nên hành vi của các bị cáo không cấu thành tội trộm cắp tài sản. Có chăng là các bị cáo có dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng, mà tội danh này đòi hỏi phải khai thác trên 5 m3. Vụ này các bị cáo khai thác 0,123 m3 nên không đủ định lượng để xử lý hình sự các bị cáo tội này được. Để chứng minh, các LS còn dẫn chứng một số vụ có hành vi tương tự như vụ án này mà chỉ xử phạt hành chính, không xử lý hình sự. Bên cạnh đó LS cũng đưa ra hai vấn đề để cho rằng cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng…
Phiên tòa gián đoạn vì âm thanh tậm tịt Phiên tòa liên tục gián đoạn vì thời điểm LS bào chữa âm thanh không ổn định làm cho người dự tòa và các phóng viên trong phòng báo chí không nghe được. Tại phòng dành riêng cho báo chí, PV cũng liên tục phản ánh tình trạng này nhưng cán bộ tòa án chỉ… ghi nhận. Nhiều lần LS Lê Văn Hoan phải ngưng việc bào chữa để phản ánh, các vị luật sư khác cũng yêu cầu khắc phục. Đáp lại, thẩm phán chủ tọa chỉ nói ngắn gọn: “Luật sư cứ tiếp tục, để bộ phận kỹ thuật chỉnh”. |
VKS nói không áp dụng Thông tư 19 (!?)
LS Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM) nói: “Chúng tôi muốn nói về sự công bằng trong áp dụng pháp luật. Đường lối chỉ đạo xét xử của TAND Tối cao đã rõ khi năm 2011 tòa này đã ban hành Công văn 157 hướng dẫn rằng nếu giá trị tang vật không xác định được về diện tích, giá trị tang vật từ 50 triệu đến 100 triệu đồng thì xử ở Điều 189 BLHS tội hủy hoại rừng. Rõ ràng công văn này không hướng dẫn nào xử lý tội trộm cắp tài sản. Từ trung ương tới địa phương đều xét xử ở hành vi khai thác trái phép. Tại sao chỉ trong vụ này lại xử tội trộm cắp?”.
LS Vũ Phi Long (Đoàn LS TP.HCM) hỏi: “Rất nhiều vụ việc tương tự chỉ bị xử phạt hành chính nhưng vụ này lại đưa ra xử lý hình sự. Vậy tại sao vụ này không xử lý hành chính?”.
Theo LS Long, cấp sơ thẩm đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bị cáo. Điển hình, xác định nguyên đơn dân sự mà không xác định được yêu cầu bồi thường của họ là bao nhiêu và lời khai của họ tại phiên tòa không cần bồi thường nữa thì hậu quả của nó giải quyết như thế nào? Yếu tố khách thể bị xâm hại trong vụ việc này đã bị chính nguyên đơn phủ nhận.
Mặt khác, việc áp dụng pháp luật của cấp sơ thẩm có vấn đề sai sót nghiêm trọng. Căn cứ vào đâu và áp dụng điều luật nào của BLTTHS để tịch thu 4 triệu đồng của các bị cáo sung quỹ nhà nước và áp dụng điều luật nào để tịch thu vật chứng là khúc gỗ (là tài sản của nguyên đơn) để sung quỹ nhà nước? Vì theo Điều 47 BLHS 2015 chỉ tịch thu tiền bạc có liên quan tới vụ án, khúc gỗ vẫn còn nằm đó có mất đi đâu, chưa thu lợi bất chính, tiền này là tiền túi của họ. Ngoài ra đại diện VKS đang đánh tráo khái niệm, không thể nói ban quản lý có trồng một số cây mà nói cả rừng này là rừng trồng được.
Đối đáp lại, đại diện VKS nói: “Nhu cầu chính trị của địa phương là bảo vệ rừng. Chúng tôi không áp dụng Thông tư 19 và Điều 12 Nghị định 157 quy định 5 m3 mới xử lý hình sự thì rừng sẽ bị chặt hết. LS phải hiểu. Từ trước đến nay chúng tôi đều nhất quán quan điểm đã được TAND Tối cao và TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đồng thuận qua kháng nghị và quyết định giám đốc thẩm”.
LS Hoan vặn lại: “VKS nói từ trước đến nay đều thống nhất quan điểm không xử theo Thông tư 19 là chưa đọc kỹ hồ sơ. Bởi trong những phiên xử trước VKS nói có áp dụng Thông tư 19 nhưng nay lại nói không là mâu thuẫn với chính mình. Tại phiên giải trình trước Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du cũng đều nói vụ này áp dụng Thông tư 19”.
Thất vọng về quan điểm của VKS Qua phần xét hỏi, tranh tụng tôi rất thất vọng vì những quan điểm của vị đại diện VKS tỉnh đưa ra không bám sát các quy định về các Thông tư liên tịch 19/2007 và Nghị định 157/2013 cũng như các bộ luật điều chỉnh lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng (như Điều 157 BLHS 1999). Kiểm sát viên chỉ tập trung bám vào yêu cầu chính trị tại địa phương là bảo vệ rừng đặc dụng Đắk Uy để bỏ qua các quy phạm pháp luật. Thậm chí tại tòa, vị đại diện VKS còn thẳng thắn khẳng định không áp dụng Thông tư 19 và Nghị định 157, chỉ căn cứ vào Điều 138 BLHS để xử lý về tội trộm cắp tài sản.
TAND tỉnh Kon Tum tổ chức phiên tòa phúc thẩm lần thứ ba này tôi thấy tòa cũng đã cố gắng nhưng thật sự vẫn còn nhiều bất cập. Tòa án tỉnh cần nghiên cứu để rút kinh nghiệm về âm thanh lúc được lúc không. Việc này sẽ ảnh hưởng đến người phát biểu cũng như nhân dân theo dõi phiên tòa. Ngoài ra, đây chỉ là một vụ án thông thường, các bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng nhưng cách sắp xếp bảo vệ an ninh nghiêm ngặt dễ gây cho mọi người một bầu không khí ngột ngạt. LS VŨ PHI LONG, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM |