Vụ thiệt hại 1.800 tỉ: Hủy toàn bộ án sơ thẩm

Sau gần hai ngày xét xử vụ thiệt hại hơn 1.800 tỉ tại Ngân hàng Thương mại CP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Tây Đô (VCB Tây Đô), TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

HĐXX nhận định có nhiều công ty con do Nguyễn Hùng Cường chỉ đạo thành lập vay hàng trăm tỉ của VCB Tây Đô. Sau đó, nguồn tiền này qua nhiều cầu đều được chuyển về xây dựng Công ty cổ phần Thủy sản Nam Sông Hậu của Cường.

Các bị cáo nghe tòa tuyên án ngày 5-11. Ảnh: NN

Vì vậy, cần xác định Nam Sông Hậu là người liên quan trong vụ án này. Các khoản tiền nêu trên được xác định là vật chứng của vụ án, cần phải được thu hồi để trả cho VCB Tây Đô.

Tòa sơ thẩm không đưa Nam Sông Hậu vào với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, ảnh hưởng đến quyền lợi của VCB Tây Đô và nhiều bị cáo trong vụ án này.

Bị cáo Nguyễn Hùng Cường - chủ doanh nghiệp Nam Sông Hậu. Ảnh: NN

Tòa phúc thẩm cho rằng trong 43 doanh nghiệp do các bị cáo Cường, Tú, Nguyễn Thanh Hùng, Võ Vũ Bình thành lập hoặc mua lại rồi nhờ người thân hoặc nhân viên đứng tên giám đốc. Quá trình điều tra cũng xác định bốn bị cáo này là người chủ mưu trong việc lừa đảo chiếm đoạt tiền của VCB Tây Đô.

Những người đại diện cho pháp nhân vẫn chưa được cơ quan tiến hành tố tụng điều tra làm rõ, trong đó lại xét xử với hai bị cáo Võ Hoàng Thám và Trang Hồng Sơn, không xem xét trách nhiệm của các pháp nhân và người đại diện còn lại là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, gây thiệt hại cho VCB Tây Đô.

Bị cáo Bình nói Công ty Du lịch Đại Dương chỉ làm theo cán bộ ngân hàng, ký giấy nhận nợ, ủy nhiệm chi khống và các giấy tờ khác do cán bộ ngân hàng đưa. Mục đích là để bị cáo Chuyển điều tiết nợ cho các doanh nghiệp khác nhằm tránh tình trạng nợ xấu.

Tại tòa, bị cáo Hùng, Bình cung cấp các tài liệu thể hiện bị cáo Nghĩa trao đổi qua email với một số nhân viên các công ty về các file phương án kinh doanh, sử dụng tiền, báo cáo tài chính... Bị án Nghĩa xác nhận sự việc trên. Nghĩa cũng thừa nhận có tự tay viết một số nội dung, ghi ngày vào giấy ủy nhiệm chi, giấy xác nhận nợ…

Bị cáo Võ Vũ Bình. Ảnh: NN

Quyết định trả Hồ sơ điều tra bổ sung số 64/2017 của VKSND Tối cao yêu cầu làm rõ các nội dung như giám định chữ viết viết, chữ ký trên các tài liệu ủy nhiệm chi, giấy nhận nợ do các bị cáo cho rằng chỉ ký khống trên các giấy tờ trên… Tuy nhiên, CQĐT đã không làm rõ.

CQĐT xác định VCB Tây Đô tự ý điều tiết tiền từ nhóm doanh nghiệp du lịch Đại Dương sang thép Đông Dương và An Đô hơn 100 tỉ. Tại tòa, bị cáo Hùng (nhóm An Đô) xác nhận không giao dịch với Đại Dương.

Việc chuyển tiền từ Đại Dương do ngân hàng điều tiết. Công ty của Hùng không có quan hệ làm ăn với Đại Dương. Bị cáo Tú (nhóm thép Đông Dương) khai không biết Đại Dương chuyển tiền …

Từ đó, tòa phúc thẩm cho rằng cần thiết phải điều tra làm rõ những nội dung đã nêu trong Quyết định trả hồ sơ số 64/2017 của VKSND Tối cao làm cơ sở xác định số tiền chiếm đoạt của các bị cáo, vai trò của từng bị cáo. Vì vậy, tòa đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm như trên.

Theo bản án sơ thẩm, Nguyễn Minh Chuyển được bổ nhiệm làm giám đốc VCB Tây Đô năm 2007. Từ năm 2010 - 2014, Chuyển chỉ đạo cấp dưới mà trực tiếp là Trần Anh Huy (trưởng phòng khách hàng) lập hồ sơ phát vay cho nhóm khách hàng có quan hệ thân quen. Việc không tuân thủ các quy định về cho vay của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Việc này nhằm mục đích tạo điều kiện cho các khách hàng trên “đảo nợ” xấu thành nợ tốt.

Cụ thể là không kiểm tra tính hợp lệ và xác thực của hồ sơ vay, đối tượng được giải ngân, sử dụng vốn vay, thẩm định qua loa, xếp hạng cao cho khách hàng và đề nghị cấp giới hạn tín dụng không đúng, không đảm bảo…

Hậu quả, 53 hợp đồng tín dụng quá hạn (thuộc sáu nhóm khách hàng Nam Sông Hậu, Du lịch Đại Dương, Cơ khí Tây Đô, An Đô, Thép Đông Dương, Trường Nguyên) mà khách hàng mất khả năng thanh toán, không thu hồi được vốn, gây thiệt hại hơn 1.800 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm