Chuyện ông Hồ Hữu Nhân ở quận 7, TP.HCM dùng giấy chứng nhận của vợ và chống đối cự cãi với nhân viên siêu thị, nói rằng "Tao là ban chỉ đạo/ tao quản lý khu vực này" là không thể chấp nhận.
Sai thì đã rõ. Thái độ ông ấy bữa đó "nhìn thấy ghét" khiến dư luận có nhiều người thấy việc khởi tố là "đáng đời". Song rất tiếc việc khởi tố hình sự ông này lại có vẻ nóng vội và chưa chặt chẽ, kể cả sau khi đã thay đổi tội danh.
Ông Hồ Hữu Nhân làm việc với công an. Ảnh: TỰ SANG
Bởi vì ban đầu, Công an quận 7 khởi tố ông Nhân về tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí trong công tác theo Điều 339 BLHS 2015. Thế nhưng Giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác là hành vi của một người không có chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác nhưng đã mạo danh là mình có chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác đó để thể hiện hành vi trái pháp luật.
Nhận ra cái sai này (hành vi của ông Nhân không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội đã bị khởi tố), Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an quận 7 đã thay đổi quyết định khởi tố sang tội chống người thi hành công vụ (Điều 330 BLHS).
Tuy nhiên, việc khởi tố ông Nhân về tội này cũng không chặt chẽ. Bởi vì, đối tượng tác động của tội phạm này là người đang thi hành công vụ, tức là người được Nhà nước hoặc xã hội giao cho những nhiệm vụ, quyền hạn nhất định trong quản lý lĩnh vực hành chính Nhà nước.
Mấy anh bảo vệ siêu thị đâu có được ai giao cho nhiệm vụ quản lý hành chính? Việc của họ là ngăn cản những người không được phép vào siêu thị, ngăn không được thì gọi công an chớ?
Chỉ có thể khởi tố ông Nhân nếu sau khi bảo vệ siêu thị gọi và công an đến mà ông Nhân tấn công hoặc chống đối, cản trở công an.
Khởi tố sai về hành vi này không chỉ ảnh hưởng đến ông Nhân. Việc khởi tố ông ấy về tội chống người thi hành công vụ rất nguy hiểm, bởi lẽ nó tạo ra tiền lệ ở quận 7, nhân viên bảo vệ công ty cũng được coi là người thi hành công vụ.
"Nghiêm khắc là cần thiết nhưng phải chính xác. Nếu không, hậu quả gây ra từ việc áp dụng pháp luật không chặt chẽ còn nặng hơn. Bởi nó tạo ra tiền lệ tuỳ tiện và ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền lẫn cơ quan tiến hành tố tụng". |
Vậy thì, nên xử lý ông này như nào?
Ông này có hành vi ra ngoài khi không cần thiết, kéo khẩu trang và không giữ khoảng cách khi giao tiếp nên có thể bị phạt tiền đến 3.000.000 đồng cho mỗi hành vi (quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế). Nặng thì áp dụng lỗi gộp.
Việc la hét cũng có thể bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng, nhưng chỉ ở mức xử lý hành chính. Vì hành vi gây rối trật tự công cộng là hành vi cố ý phá vỡ tình trạng ổn định, có tổ chức, có kỷ luật ở nơi công cộng, trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng và có thể gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được pháp luật bảo vệ, qua việc vi phạm quy tắc sống lành mạnh, nếp sống văn minh, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động bình thường của mọi người ở những nơi công cộng.
Và khi xử lý đặc biệt lưu ý về nguyên tắc thu hút lỗi (chỉ xử lỗi nặng nhất, các lỗi khác là tình tiết tăng nặng).
Nghiêm khắc là cần thiết nhưng phải chính xác. Nếu không, hậu quả gây ra từ việc áp dụng pháp luật không chặt chẽ còn nặng hơn. Bởi nó tạo ra tiền lệ tuỳ tiện và ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền lẫn cơ quan tiến hành tố tụng.
Diễn biến vụ xưng "ban chỉ đạo quận 7" quậy ở siêu thị Ngày 29-8, mạng xã hội lan truyền clip một người đàn ông tự xưng là “ban chỉ đạo quận 7” cự cãi, lớn tiếng với nhân viên và bảo vệ của một siêu thị tại quận 7. Trong clip, người này liên tục chỉ tay, lớn tiếng với nhân viên trong siêu thị và nói: “Tôi cho công an xuống gặp ông...; giỡn mặt với tôi à...”. Người đàn ông xuất hiện trong clip được xác nhận là ông Hồ Hữu Nhân. Cơ quan CSĐT Công an quận 7 sau đó đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Hồ Hữu Nhân để điều tra về tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác theo Điều 339 Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, mới đây, VKSND quận 7 đã phê chuẩn quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với ông Nhân về tội chống người thi hành công vụ. |