Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao vừa chấp nhận kháng nghị của viện trưởng VKSND Tối cao, tuyên hủy quyết định giám đốc thẩm (GĐT) của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM trong vụ án Nguyễn Văn Luật. Điều đặc biệt là sau khi hủy án, tòa giao hồ sơ cho TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử lại theo thủ tục GĐT. Trước đó bị cáo Luật bị truy tố, xét xử về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng.
Hầu tòa vì cưa hai cây gỗ thông
Theo hồ sơ, ngày 28-1-2015, Nguyễn Văn Luật (trú phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) bị UBND tỉnh này ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 140 triệu đồng và phạt bổ sung 300 triệu đồng (tịch thu phương tiện vận chuyển) về hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.
Sau khi đóng tiền phạt 440 triệu đồng, tháng 4-2015, Luật lại dùng cưa máy và xe máy cày vào rừng cưa hạ hai cây thông ba lá có khối lượng 0,626 m3. Rừng này thuộc phạm vi quản lý của Công ty Cổ phần P., thuộc địa phận huyện Bảo Lâm. Luật đã bị công an huyện phát hiện lập biên bản, thu giữ. Kết luận định giá tài sản kết luận 0,626 m3 gỗ thông giá trị hơn 650 triệu đồng.
Tháng 9-2015, TAND huyện Bảo Lâm xử sơ thẩm, tuyên phạt Luật số tiền 30 triệu đồng. Sau đó VKSND tỉnh Lâm Đồng kháng nghị phúc thẩm tăng hình phạt theo hướng áp dụng hình phạt chính là hình phạt tù và phạt bổ sung là phạt tiền, đồng thời xử lý bốn lóng gỗ là tang vật của vụ án.
Tháng 1-2016, TAND tỉnh xử phúc thẩm, chấp nhận kháng nghị, sửa án sơ thẩm, xử phạt Luật 12 tháng tù và phạt bổ sung 20 triệu đồng. Tòa cũng tuyên tịch thu sung quỹ nhà nước bốn lóng gỗ thông. Sau đó bị cáo có đơn khiếu nại GĐT vì tòa phúc thẩm nhận định bị cáo đã bị xử phạt hành chính mà vẫn cố tình phạm tội để tăng hình phạt là không đúng.
Tháng 4-2016, chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM đã kháng nghị GĐT bản án phúc thẩm trên, đề nghị Ủy ban Thẩm phán tòa này xử GĐT hủy án về phần hình phạt đối với bị cáo. Hơn một tháng sau, Ủy ban Thẩm phán chấp nhận kháng nghị, tuyên hủy án phúc thẩm về phần hình phạt đối với Luật. Lý do án GĐT đưa ra là cấp phúc thẩm chỉ được tăng hình phạt tiền lên mức cao hơn. Cấp phúc thẩm không được chuyển sang hình phạt tù và cũng không được áp dụng hình phạt bổ sung, vì trước đó tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng.
Bị rút kinh nghiệm
Đến đây thì VKSND tỉnh Lâm Đồng lại có công văn đề nghị viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị đối với quyết định GĐT nêu trên vì cho rằng tòa xử sai. Đề nghị này được viện trưởng VKSND Tối cao chấp nhận, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử theo thủ tục GĐT, hủy quyết định GĐT trên để xét xử GĐT lại theo đúng quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa GĐT ngày 10-7-2017, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã tuyên hủy và giao hồ sơ cho TAND Cấp cao TP.HCM xét xử GĐT lại.
Vừa qua Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự thuộc VKSND Tối cao đã có thông báo rút kinh nghiệm trong toàn ngành về vụ án này.
Theo đó, về tội danh, tòa án các cấp kết án Luật về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng là có căn cứ. Vì đầu năm 2015 bị cáo bị xử lý hành chính, khi chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, bị cáo lại tiếp tục khai thác rừng trái phép.
Về hình phạt, trong thời gian ngắn Luật đã nhiều lần vi phạm các quy định về bảo vệ rừng. Dù việc chặt hai cây thông mới chỉ đủ căn cứ truy cứu theo khoản 1 Điều 175 BLHS nhưng với thái độ và ý thức coi thường pháp luật của bị cáo thì cần phải có mức án nghiêm khắc.
Tòa sơ thẩm áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính là chưa đủ sức răn đe, giáo dục đối với bị cáo. Tòa phúc thẩm chấp nhận kháng nghị, tăng hình phạt đối với Luật lên 12 tháng tù là đúng pháp luật. Quyết định GĐT của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao nhận định chỉ được tăng hình phạt tiền, không được chuyển sang hình phạt tù để hủy án phúc thẩm về phần hình phạt là không đúng.
VKSND tỉnh kiểm sát kịp thời Trong thông báo rút kinh nghiệm, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự thuộc VKSND Tối cao đã đánh giá cao chức năng và nhiệm vụ kiểm sát xét xử của VKSND tỉnh Lâm Đồng. Theo đó ban đầu cơ quan này đã kịp thời phát hiện vi phạm của tòa sơ thẩm để kháng nghị phúc thẩm và được chấp nhận. Sau đó VKSND tỉnh lại kịp thời có công văn đề nghị VKSND Tối cao kháng nghị đối với quyết định GĐT và cũng được chấp nhận. |