Pháp lý vụ nhân viên massage 16 tuổi đâm khách vì bo thiếu

Như PLOđã thông tin, Huỳnh Thị Phương Anh (16 tuổi, ngụ phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên) đang bị điều tra về hành vi giết người.

Theo đó, tối 24-12, sau khi uống rượu, anh H. (31 tuổi) đến cơ sở massage 77 (đường Lý Thái Tổ, phường Mỹ Long) để thư giãn. Tại đây, nhân viên Phương Anh là người massage cho anh H. với giá thỏa thuận 500.000 đồng. Nhưng sau đó, anh H. chỉ trả  250.000 đồng.

Sau khi nhận tiền bo, Phương Anh đi xuống mở cốp xe, lấy con dao Thái Lan để cắt đồ. Bất ngờ anh H. đi đến, rút dây nịt đánh Phương Anh nên bị nữ tiếp viên dùng dao đâm khiến anh H. tử vong.

Nơi xảy ra vụ án mạng. Ảnh: PLO

Luật sư Nguyễn Hoàng Nam, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận xét: Căn cứ vào thông tin nêu trên thì thấy rằng hành vi của nhân viên massage Huỳnh Thị Phương Anh có dấu hiệu của một trong nhóm tội xâm hại tính mạng, sức khỏe của con người như giết người, vô ý làm chết người, cố ý gây thương tích.
Quá trình điều tra, CQĐT cần xem xét nguyên nhân, động cơ, mục đích dẫn đến hành vi phạm tội. Cạnh đó, cần xem xét hành vi dùng thắt lưng đánh người của anh H. ra sao. Việc giết người của Phương Anh có phải bắt nguồn từ hành vi trái pháp luật của anh H. gây ra hay không. Bởi có tình huống nếu coi hành động của Phương Anh là phòng vệ chính đáng thì không bị coi là tội phạm.
Với thông tin ban đầu thì chưa thể khẳng định được hành vi của Phương Anh thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng hay vượt quá giới hạn này, phạm tội khi tinh thần bị kích động mạnh hay giết người có tính chất côn đồ. Việc xác định này phụ thuộc vào kết quả điều tra, khám nghiệm hiện trường và thu thập các chứng của CQĐT.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, nhấn mạnh: Luật Trẻ em quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi. Thông tin trong bài nêu chung chung là Phương Anh 16 tuổi, nên cần làm rõ đã tròn 16 tuổi chưa hay mới chỉ hơn 15 tuổi.
Nếu Phương Anh dưới 16 tuổi thì khi xử lý cần áp dụng Điều 71 Luật Trẻ em dành cho trẻ em vi phạm pháp luật. Đó là các biện pháp như giáo dục tại xã, phường, thị trấn khi được miễn trách nhiệm hình sự; hình phạt cải tạo không giam giữ; án treo theo quy định của BLHS.
Trường hợp Phương Anh đã trên 16 tuổi nhưng dưới 18 tuổi thì cơ quan thẩm quyền cũng phải áp dụng thủ tục đặc biệt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội quy định tại BLHS và BLTTHS. Đó là việc xử lý phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm...
Ngoài ra, cơ quan tiến hành tố tụng phải bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi. Cạnh đó phải bảo đảm giữ bí mật cá nhân; quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý…
Được sử dụng người dưới 18 tuổi làm nghề massage?
Điều 163 Bộ luật Lao động quy định: Không được sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách của họ theo danh mục do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.
Điều 165 bộ luật này còn quy định: Cấm sử dụng người chưa thành niên làm các công việc gây tổn hại cho sức khoẻ, an toàn hoặc đạo đức của người chưa thành niên. Cấm sử dụng người chưa thành niên làm việc ở các nơi như sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, phòng tắm hơi, phòng xoa bóp; nơi làm việc khác gây tổn hại đến sức khoẻ, sự an toàn và đạo đức của người chưa thành niên.
Như vậy, cơ sở massage muốn thuê người lao động dưới 18 tuổi làm việc thì cần tuân thủ các nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên như các nội dung đã trích dẫn ở trên.
Việc sử dụng lao động dưới 18 tuổi trái quy định nếu bị phát hiện thì chủ hoặc người sử dụng lao động bị xử phạt hành chính.
Luật sư Nguyễn Hoàng Nam, Đoàn Luật sư TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm